“Tận mục sở thị” mới thấy... đình Hoàng Cầu

VHO- Có một thực tế khó ai có thể phủ nhận được là trong hơn một thập kỷ trở lại đây, với sự vào cuộc nhanh, mạnh, kịp thời của báo chí và cả dư luận xã hội trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hoá nên nhiều di tích, danh thắng có giá trị tránh được nguy cơ đổ sập; tránh được tình trạng biến dạng “một đi không trở lại” và cũng đã tránh được sự xâm phạm, xâm hại không thương tiếc của nhiều nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương. Cũng từ sự vào cuộc tích cực ấy mà nhiều ngôi đình, chùa, lăng tẩm đã được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp “cứu chữa” kịp thời bằng những dự án tu bổ, tôn tạo...

 Nhiều công trình di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc và cả những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến rất đỗi khang trang, sạch đẹp như hiện nay, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và sự trở về nguồn của giới trẻ có phần không nhỏ của báo chí “nhập cuộc”, quyết tâm theo đuổi đặng trả lại vẻ đẹp vốn có mà các bậc tiền nhân dày công tạo dựng. Như một đại biểu Quốc hội đã từng nói với người viết, “chính sự quan tâm mạnh mẽ của báo chí trong nhiều năm trở lại đây mà không ít di sản của quá khứ đã được bảo vệ ngay trước những máy xúc, máy ủi hay sự nhận thức còn non kém của nhiều người”.

Tuy nhiên, cũng đằng thẳng mà nói, có không ít ngòi bút, vì vô tình hay hữu ý, hay còn non nghiệp vụ trong thẩm định, xác minh hoặc thiếu chuyên môn về “bảo tồn, bảo tàng” đã tung ra những lời lẽ rất “đao to búa lớn” khiến cho những ai quan tâm đến di sản văn hoá nước nhà không khỏi sửng sốt, hoang mang, bức xúc. Những tít bài tựa như thế không ít một chút nào, song khi đến nơi kiểm tra cùng với những chuyên gia để thẩm định, đánh giá thì té ra nó lại không phải như thế. Mới đây thôi, có tờ báo viết về dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoàng Cầu (Đống Đa-Hà Nội) với cái tít “Trùng tu hay làm mới”, rồi hạ một câu chắc nịch: “Việc một di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt được trùng tu theo kiểu đập đi xây dựng mới hoàn toàn có nên không vì như thế sẽ làm mất đi nét văn hóa cổ kính, linh thiêng của di tích lịch sử”.

Khi đọc được bài viết này, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản gọi điện cho người viết, bảo: “Kiểm tra ngay đi, làm ăn như thế thì chết đấy. Ngay giữa Thủ đô mà có chuyện đó thì không thể chấp nhận”. Khoác vội áo mưa giữa trận giông đầu mùa ở Hà Nội, phóng viên Văn Hoá đã “tận mục sở thị”; kiểm tra từng xăng ti mét hồ sơ dự án; các văn bản thoả thuận chủ trương, thoả thuận dự án; gặp người dân đang giám sát dự án tu bổ... Hoá ra, đây là di tích cấp quốc gia, hiện trạng tại thời điểm xếp hạng di tích (2016) là các hạng mục chính của đình Hoàng Cầu đều được xây dựng bằng gạch mới, khung cột bê tông cốt thép giả gỗ, chỉ có hạng mục cổng (Nghi môn) được tô trát các chi tiết bằng vữa truyền thống. Di tích đã xuống cấp, thấm dột nghiêm trọng nên phải cấp thiết tu bổ, tôn tạo chứ nào có phải di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt như bài báo viết. Có báo còn đăng đơn vị tu bổ chống lệnh các văn bản của Bộ VHTTDL. Cục Di sản văn hoá xuống kiểm tra tận nơi, đối chiếu với hiện trạng thì “có thấy họ chống lại văn bản của Bộ đâu”.

Dẫn ra như thế để thấy rằng, góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm hoặc huỷ hoại di sản văn hoá là trách nhiệm của tất cả chúng ta, nhưng cũng đừng vì một lý do nào đó mà vội vàng “quy chụp” một cách thiếu cẩn trọng, khiến nhiều cấp, ngành phải vào cuộc để rồi phải bức xúc trước một bài báo phản ánh không đúng sự thật, gây tiếng oan cho không ít người.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc