Sự im lặng với sắc phong ngụy tạo!
VHO- Đã sau gần ba tháng kể từ khi Văn Hóa, cơ quan báo chí đầu tiên lên tiếng Vén bức màn “18 đạo sắc phong”, qua đó nói rõ tại di tích Phủ Vân Cát thuộc Khu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) hiện đang tồn tại cái gọi là sắc phong nhưng là đồ giả, nói “trắng phớ” ra là nguỵ tạo, nhưng đến nay cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái nào khả dĩ để làm rõ trắng đen và xử lý theo quy định pháp luật
Một trong những "sắc phong" ngụy tạo (Ảnh: Tổ công tác cung cấp)
Mới đây, nhiều bạn đọc quan tâm đến những món “đồ giả cổ” đó đã gọi điện đề nghị cho biết vụ việc trên được xử lý như thế nào, đồng thời yêu cầu cần công bố thông tin nhằm tạo sự răn đe cho những đối tượng khác, chúng tôi đành phải xin khất vì liên lạc với cơ quan chức năng có thẩm quyền để cập nhật diễn biến thì chỉ nhận được câu trả lời: “Để chúng tôi kiểm tra lại”.
Sự thật về “18 đạo sắc phong” ấy như thế nào đã được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng thẩm định, kết luận. Theo đó, “để chứng minh tường tận từng bản làm nhái sắc phong mới đây thì dài lắm, phải liệt kê tới mấy trang giấy. Muốn biết tường tận thì đến Bảo tàng Nam Định mượn bài Tổng thuật về nhóm tư liệu được bảo quản trong hộp đựng sắc phong tại Phủ Vân Cát do tôi thực hiện năm 2022. Còn chốt lại thì như thế này: Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát, tôi khẳng định 18 tờ tư liệu giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát tại thời điểm ngày 22.1.2022 không phải là “18 đạo sắc phong” mà chỉ là “18 tờ tư liệu làm nhái sắc phong, là sản phẩm ngụy tạo ở đầu thế kỷ XXI”, TS Chu Xuân Giao, người thẩm định tài liệu trên khẳng định. Vậy mà, theo những nguồn tin có được, để xử lý rốt ráo vấn đề này cần có một bản kết luận mới, uy tín, chất lượng hơn chứ không thể căn cứ vào bản thông báo của một Tổ công các do Bảo tàng Nam Định lập ra. Nếu quả đúng như vậy thì người viết đành... chào thua.
Tuy nhiên, lại một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại đây là ý kiến đề nghị của TS Chu Xuân Giao, thành viên Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát, như chuyển lời tới tỉnh Nam Định cần chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ: “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”.
NGUYỄN THANH SƯƠNG