Sao kiểu gì cũng gọi là tặc?

VHO- Xúc cát trộm trên sông thì gọi là “cát tặc”. Đào đãi vàng trái phép thì gọi là “vàng tặc”. Cách gọi ấy đã hình thành trong thời gian khá dài, phổ biến trên phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng liệu định danh như vậy có chuẩn xác, đúng với tinh thần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Tặc là từ thuộc lớp từ Hán Việt, có nghĩa là giặc hay kẻ cướp. Cướp có nghĩa là dùng sức mạnh đi giật cái của người khác làm cái của mình. Quá trình cướp bóc đương nhiên sẽ bị chống lại, kẻ cướp có thể đâm chém, giết người để thỏa lòng tham. Cho nên trong ngôn ngữ đời thường, cụm từ thuần Việt “cướp của giết người” thường gắn với nhau

 Trên thực tế ngôn ngữ, nói về lớp từ Hán Việt, người ta thường dùng hải tặc chỉ những kẻ cướp trên biển, sơn tặc là kẻ cướp trên núi, lâm tặc chỉ những kẻ phá rừng và sẵn sàng diệt kiểm lâm. Ít dùng hơn nhưng đồng nghĩa với tặc khấu, là phỉ, như thảo khấu, thổ phỉ.

Gần nghĩa với chữ tặc là chữ đạo, cũng thuộc lớp từ Hán Việt. Cũng là lấy của người khác làm của riêng nhưng nếu tặc chỉ hành vi đối mặt, sẵn sàng dùng bạo lực để đạt mục đích, thì đạo là lén lấy, nghĩa là ăn trộm hay ăn cắp, như lén cóp văn của người khác làm của mình gọi là đạo văn (chứ không phải tặc văn).

Vì gần nghĩa nhau nên hai chữ đạo tặc thường được người xưa ghép với nhau thành một từ đạo tặc, có nghĩa là trộm cướp. Qua mấy chi tiết ở trên có một điều đáng chú ý: Khi cấu tạo một từ có gốc Hán Việt thì các từ tố thường cùng lớp từ này, đồng thời tuân thủ lối kết cấu Hán Việt, từ tố chính nằm phía sau và từ tố phụ nằm trước, như hải tặc thì từ tố tặc nằm ở sau đóng vai chính, từ tố hải nằm ở trước đóng vai phụ. Nó ngược lại với kiểu cấu tạo từ trong lớp từ thuần Việt, như từ tương đương với hải tặc giặc biển thì từ tố giặc phải nằm trước.

Từ những phân tích trên xin quay lại với kiểu cấu tạo từ đối với trường hợp như cát tặc, vàng tặc. Cát vàng đều là từ thuần Việt. Nếu lấy nó làm từ tố kết hợp với tặc thuộc lớp từ Hán Việt thì sẽ là một sự “tréo ngoe” không giống kiểu gì. Vả lại các hành vi như trộm cát, lén đãi vàng có phải là “tặc” hay không? Trên thực tế kẻ trộm cát hay lén đãi vàng có thể có hành vi chống đối khi bị phát hiện và ngăn chặn, nhưng về bản chất của nó vẫn là trộm, lấy về cho mình một cách lén lút. Nói tóm lại, lối cấu tạo từ vàng tặc hay cát tặc trái với nguyên lý ngôn ngữ, kể cả ngữ nghĩa và cách cấu tạo từ. Do vậy người đọc người nghe khi nghe đến chỗ này thường cảm thấy lùng bùng lỗ tai. Nếu chỉ ai trộm gì thì cứ lấy tên gọi nôm na của thứ bị trộm ấy cộng với “tặc”, ắt sẽ có “tiền tặc” (ăn cắp tiền), “cá tặc” (ăn trộm cá), “lúa tặc” (ăn cắp lúa), “cây tặc” (chặt trộm cây)…, xem ra rất phi lý và chướng tai.

Điều quan trọng hơn, cách cấu tạo từ thiếu cân nhắc như vậy sẽ có phương hại cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là việc hệ trọng, không phải chỉ để nghe cho dễ hiểu, cho hay, cũng không phải việc riêng của mấy ông nhà văn hay nhà nghiên cứu ngữ học. Ngôn ngữ nằm ở mọi nơi mọi lúc trong đời sống và mọi môn khoa học. Ta cần nhớ rằng tất cả những gì cao siêu đều phải bắt đầu từ những tế bào cơ sở. Ngôn ngữ gắn chặt với tư duy, trong sử dụng thường ngày cũng như trong mọi môn khoa học, cần có sự chuẩn xác cao, thậm chí trong văn bản số không thể bị lệch dù chỉ một ký hiệu nhỏ.

Lối cấu tạo “cát tặc”, “vàng tặc” theo tôi là một cấu tạo lỗi, dù xét dưới quan điểm rộng mở của ngôn ngữ vận động, không đứng yên. Từ thuần Việt không thể thay thế hoàn toàn từ Hán Việt, nhưng trong những trường hợp có thể thay thế được thì nên thay thế, như bây giờ người ta hay nói “tri ân” thì cứ gọi là “ghi ơn” hay “biết ơn”, “minh định” thì nên dùng “định rõ” để vừa khỏi mang tiếng “nói chữ”, vừa trong sáng dễ hiểu với mọi người.

Vậy nên xin hãy ghi nhớ thường xuyên: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt! 

MINH TUỆ

Ý kiến bạn đọc