Sai một li đi cả... giếng
VHO- Cho đến tối muộn ngày 17.3, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, “sếp” trực tiếp của chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu, vẫn khẳng định với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, rằng “việc tôn tạo không làm mất đi Giếng Ngọc và phù hợp với dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch bảo tồn di tích và theo thoả thuận thiết kế bản vẽ thi công, tu bổ, tôn tạo di tích của Cục Di sản văn hóa”.
Giếng mới đang xây dựng
Chúng tôi không biết ông Chủ tịch huyện Thiệu Hóa căn cứ vào đâu để đưa ra những lời lẽ “chắc như cua gạch” đến vậy, nhưng chỉ biết vài giờ sau, việc thi công tu bổ, tôn tạo hạng mục Giếng đã phải “cấp tốc” tạm dừng thi công theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện giếng cổ bị méo mó, biến dạng sau khi được tu bổ, tôn tạo sẽ được cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc, làm rõ đồng thời đưa ra những biện pháp nhằm trả lại phần nào sự nguyên trạng ban đầu, nhưng ở góc độ của chúng tôi thì thấy rằng, ở đây cơ quan quản lý nhà nước về di sản, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị giám sát thi công... có liên quan đến dự án này đều có vấn đề về việc tiếp nhận, tiếp thu văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Nói trắng phớ ra là, những đơn vị này khi tiếp nhận, tiếp thu văn bản chỉ đạo của Bộ, văn bản thẩm định của Cục Di sản văn hóa vẫn biết rất rõ những lưu ý, yêu cầu mang tính “xương sống” trong tu bổ di tích, song lại cố tình lờ đi, không điều chỉnh thiết kế trên nguyên tắc tu bổ nguyên trạng giếng hiện có; không hướng dẫn cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện thiết kế..., tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật. Chắc họ nghĩ rằng sẽ không có ai đến kiểm tra, giám sát nên sẽ không phát hiện ra. Nào ngờ “vải thưa không che được mắt thánh”, tai mắt của nhân dân từng bước dõi theo tiến độ của dự án đã “bắt tại trận”.
Hoặc cũng có thể là, họ - những đơn vị liên quan mật thiết đến dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu - đã đọc lươn lướt văn bản thỏa thuận dự án của Bộ VHTTDL, xem xét sơ qua văn bản thẩm định bản vẽ thiết kế thi công của Cục Di sản văn hóa, nên không nhận ra những điểm lưu ý, yêu cầu rất quan trọng đối với dự án này. Trên thực tế, những người nào có chút chuyên môn về tu bổ, tôn tạo di tích, nắm được những quy định cơ bản của Luật Di sản văn hóa thì khi đọc những văn bản của cơ quan văn hóa có thẩm quyền đối với dự án này sẽ ngay lập tức phản ứng và biết cần phải làm gì để tu bổ nguyên trạng giếng hiện có là như thế nào.
Cho dù thế nào đi chăng nữa thì hạng mục Giếng thuộc dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu đã không được các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tuân thủ và thực hiện nghiêm những lưu ý, yêu cầu của cơ quan chức năng, khiến cho nó bị biến dạng, người dân và báo chí bức xúc. Nhân đây chúng tôi cũng muốn nói rằng, không hề có chuyện “đáng buồn là Cục Di sản văn hóa cũng đồng ý cho phép thu nhỏ lại giếng cổ” như có báo đài lên tiếng.
NGUYỄN THANH SƯƠNG