Quy định về văn bằng, chứng chỉ rất phiền hà
VHO- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong phiên chất vấn trả lời Quốc hội chiều qua 7.11 trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) về tình trạng việc tổ chức thi, xét thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Lời nhận khuyết điểm thực tâm cũng như cam kết mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tạo niềm hy vọng, hứng khởi cho hàng triệu công chức, viên chức – những người bao năm nay đã “thấm đòn” trước những quy định bất cập này.
Thay vì chú tâm làm việc, nhiều công chức, viên chức gần như cả đời phải loay hoay, khổ sở với ba từ trời ơi: Đủ điều kiện. Đủ điều kiện để thi tuyển, để thi xét nâng ngạch, để được bổ nhiệm.
Nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật chỉ mới ra đời vài ba năm đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trước cuộc sống, đòi hỏi sớm phải được bổ sung, chỉnh sửa. Thế mà một quy định liên quan trực tiếp đến con người kéo dài đằng đẵng 26 năm. Đâu chỉ gây phiền hà, nhiều quy định lỗi thời có từ thế kỷ trước còn gây ra biết bao nhiêu hệ lụy.
Mới đây thôi, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ VHTTDL công nhận kết quả xét tuyển đặc cách viên chức cho nhiều nghệ sĩ giỏi và tài năng ở TP.HCM, trong đó có hai anh em “Hoàng tử xiếc” Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp. Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là hai trong số 40 người rớt vì chưa có bằng cấp chuyên môn, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ… Điều đáng nói trong 40 trường hợp này có tới tám Nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực cải lương và xiếc. Chưa kể 40 người này vốn là nhân sự trụ cột về hoạt động chuyên môn của đơn vị, giỏi về nghề, có uy tín, được xã hội và Nhà nước tôn vinh, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, hiện nay rất khó tìm nhân sự thay thế… Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, UBND TP.HCM đã đề nghị sai địa chỉ. Quy định cứng là của Bộ Nội vụ, còn thẩm quyền xét tuyển đặc cách là của TP.HCM. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đang bế tắc do vướng vào cơ chế, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù như lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.
Cũng đã có bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt do cơ chế mà ra. Tỉ như giáo sư giảng dạy nhiều năm cũng phải đi học nghiệp vụ sư phạm hay ông A. bà B. là những nhà khoa học gốc Việt vốn là “nhân tài trời Tây” nhưng không thể là “nhân tài đất Việt” khi không đủ điều kiện bổ nhiệm phó phòng chứ chưa nói đến việc cất nhắc ở những vị trí cao hơn, phù hợp hơn…
Chẳng những không thu hút, trọng dụng và giữ chân được người thực tài, những quy định bất cập còn vô tình tiếp tay cho những chiêu trò, là mảnh đất màu mỡ dung túng vấn nạn bằng giả, chứng chỉ giả. Vụ việc hàng trăm học viên không được tuyển sinh, đào tạo đúng quy định nhưng vẫn được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng gần đây là bài học đắt giá.
Để cho những văn bằng, chứng chỉ thực chất, không còn là “giấy thông hành” để công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, sau đó không biết dùng vào việc gì thì rất mong lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước Quốc hội và cử tri “sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào” sớm trở thành hiện thực.
PHAN THANH NAM