Phiếm về nụ cười

VHO- Nụ cười không thể thiếu trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Nhưng cười cũng có thể bị chê trách, như vừa qua có nghệ sĩ cười trong đám tang của đồng nghiệp, chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng rõ ràng nụ cười là biểu hiện của cái lớn hơn nó rất nhiều: Tâm hồn và nhân cách! Nói chung xã hội đánh giá khá tích cực về nụ cười. Người hay cười được xem là cởi mở và rộng lượng.

Phiếm về nụ cười - Anh 1

Nụ cười chỉ thực sự đẹp, thực sự vui khi nó vô tư, chan hòa và nhân văn (Ảnh: Tác phẩm "Nụ cười Tây Bắc" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt)

 Nụ cười luôn gắn với nét đẹp trên gương mặt. Với sức khỏe, các cụ nhà ta nói: “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười là vui, nhưng cũng có cảnh huống cười ra nước mắt. Lại có nụ cười chê, cười chế giễu, cười bí hiểm. Cười chừng như là một biểu hiện của con người - xã hội, mà cũng là biểu hiện của con người - tự nhiên. Có những điều muốn cười nhưng không thể cười được, không muốn cười mà vẫn phải cười. Cười không nhất thiết đồng nhất với lý trí, nó là một biểu hiện tự nhiên của bản thể. Dù thế nào thì con người cũng cần đến nụ cười.

Phạm trù mỹ học có cái hùng để người ta thán phục, có cái cao cả để người ta nể trọng, có cái bi để người ta thương cảm, và cũng có cái hài để người ta cười. Nếu ngoài đời người ta khôi hài để đánh tan buồn lo thì cái hài cũng thành một dòng nghệ thuật. Nhiều văn nghệ sĩ tài danh có tác phẩm hài để đời, như văn hào Anh William Shakespears có nhiều vở hài kịch bên cạnh các vở bi kịch; nhà văn Pháp Molière thì chỉ “chuyên trị” hài kịch; có diễn viên hài vĩ đại như Charles Chaplin…

Ở Việt Nam, trong dân gian có truyện tiếu lâm, truyện cười, đến Tuồng tưởng như hoàn toàn nghiêm trang, cũng vẫn có Tuồng hài, có nhân vật ông Trượng chơi trống bỏi dê gái bị chê là già (có râu) bèn chống chế: Con tôm con tép nó còn có râu/ Cớ chi em bậu câu mâu sự đời!

Nhà thơ nổi tiếng thời Xô viết là Evgheni Evtushenko từng nói đến thiên chức của người nghệ sĩ hài, có câu thơ (đại ý): Gã hề là tên ăn cắp, ăn cắp những phút giây/ Những phút giây buồn ở đây ở đó.

Nhưng mặt khác, trong thực tế xã hội, cái sự cười cũng không phải không có vấn đề để suy nghĩ. Học giả Nguyễn Văn Vĩnh thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có nói về thói quen cười của người Việt, xem như một tật xấu, cái gì cũng “hì” được. Nụ cười trở nên vô duyên khi nó nằm trong cảnh huống đau buồn, mà lẽ ra con người ta phải biết chia sẻ. Tôi từng thấy những nụ cười kiểu như vậy trên truyền hình. Những người đi cứu trợ bão lụt khi trao quà nhìn vào ống kính máy quay, cười! Tôi lại thấy có những người nghệ sĩ đi thăm người ốm nặng cũng… tranh thủ mỉm cười, rồi tự đưa các bức ảnh ấy lên mạng xã hội. Ốm chưa chết không phải chuyện vui, mà là chuyện buồn lo của thân chủ, sao có thể cười? Nhìn những bức ảnh ấy, người ngoài cuộc có quyền tự hỏi: Những người đến thăm kia, họ có thực lòng hay chỉ để “đánh bóng” cho mình?

Nụ cười là biểu hiện tâm lý tự nhiên, nhưng cũng có những nụ cười không hề tự nhiên. Như trường hợp như thế này: Một nhân viên làm hỏng lô hàng mà cố tình giấu nhẹm, định qua mắt luôn khâu kiểm định cho ra thị trường, khi bị chủ phát hiện, anh ta bèn cười. Người chủ không kìm được sự tức giận, cho anh ta mấy bạt tai. Bỗng dưng người chủ thành có lỗi. Nhưng nghĩ cho công bằng, sự tức giận ấy là từ nụ cười kia. Làm hỏng hàng hóa lại giấu nhẹm, không biết lỗi của mình, có gì vui để cười?

Bên cạnh cười vui còn có nụ cười chế giễu. Thói thường hễ ghét ai mà khi người đó gặp rủi ro hay thất bại thì người ta cười. Lối cười này từng bị dân gian cảnh báo: Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Tôi chợt nhớ những lời dạy của tiền nhân: “Chớ nên cười trên nỗi đau người khác”. Tối kỵ là cười cợt vào niềm tin tín ngưỡng, vào người tàn tật. Nụ cười chỉ thực sự đẹp, thực sự vui khi nó vô tư, chan hòa và nhân văn. Và để có niềm vui thực sự, nụ cười tự nhiên không vương nét giả dối, không có cách nào khác là người ta phải sống thực lòng! 

CAO CHƯ

 

Ý kiến bạn đọc