Phải trả giá, nếu…

VHO- Từ điển tiếng Việt giải thích “tự do ngôn luận” là ăn nói và bàn bạc, công dân được tự do bày tỏ ý kiến, và đó là cách hiểu theo ngữ nghĩa đơn thuần, nhưng trên thực tế đời sống xã hội, vấn đề tự do ngôn luận rất phức tạp, không có tiêu chuẩn chung.

Phải trả giá, nếu… - Anh 1

Có thể kể ra một vài câu chuyện sau để chứng minh điều đó: Nhà bác học Galilei trình bày ý kiến khoa học đơn thuần về hiện tượng Trái đất quay quanh Mặt trời, nhưng vì trái với quan điểm Thần học nên bị Giáo hội bỏ tù; hay những chiến sĩ Cộng sản tuyên truyền tư tưởng cách mạng, chống áp bức bóc lột bị thực dân, đế quốc bắt tù đày bởi họ đã tố cáo mạnh mẽ tội ác của chúng…

 Từ các trường hợp nêu trên cho thấy, dù là thần quyền hay pháp quyền, nếu ngôn luận đó chống lại thể chế chính trị hiện hành thì sẽ bị khống chế bằng luật pháp. Như vậy, tự do ngôn luận không tồn tại độc lập mà gắn với thể chế chính trị và văn hóa.

Những người chống đối thường rêu rao luận điệu “chế độ XHCN không có tự do ngôn luận” bởi họ không hiểu rằng, trên thế giới, không một nơi nào coi những phát ngôn chống đối đồng nghĩa với “quyền tự do ngôn luận”. Điều đó dễ hiểu vì nếu đến các cộng đồng tôn giáo hoặc một quốc gia quân chủ... mà bạn phát ngôn khiếm nhã đối với những biểu tượng thiêng liêng về niềm tin của cộng đồng đó thì chắc chắn bạn sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng tính mạng như nhiều câu chuyện thương đau đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.

Trên thế giới ngày nay cũng có những nơi đưa quyền cá nhân lên rất cao, ai muốn nói gì thì nói, vì thế mà nhiều người lầm tưởng rằng đó mới thực sự là những giá trị của tự do, dân chủ. Nhưng thực tế, tác động xã hội của nó rất lớn, cụ thể như trong khi dịch Covid-19 làm nhiều người lây nhiễm và tử vong thì vẫn có những đối tượng công khai tuyên truyền rằng không có Covid, hoặc nó chỉ như bệnh cúm mùa, rồi nó sẽ tự biến mất, vân vân và vân vân... Những phát ngôn trái chiều đó tuy không bị pháp luật trừng trị nhưng nó là một trong số nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình chống giãn cách, chống phong tỏa, chống tiêm vắc xin, chống đeo khẩu trang... vừa làm mất ổn định xã hội, vừa làm cho số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh trong cộng đồng. Mặt khác, nếu những phát ngôn thù hằn, chia rẽ, thô tục tràn lan trên mạng xã hội thì không thể gọi đó là một cộng đồng văn minh.

Tự do cá nhân và tự do ngôn luận là giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại. Nhưng nếu nó phát triển đến mức cực đoan thì sẽ trở thành tai họa cho cộng đồng, xã hội. Vì thế mọi sự góp ý, phê bình hay phản biện về một vấn đề nào đó trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cũng cần có thước đo nhất định của nó, nghĩa là không để bị rơi vào những điều bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, bày tỏ quan điểm, chính kiến, suy nghĩ cũng cần có thái độ chừng mực theo hướng “trung ngôn” mà không “nghịch nhĩ”. 

 TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc