Nhớ những mùa trăng xưa...
VHO- Khi những vệt nắng dần ngả sang màu hổ phách trong veo, phơn phớt đọng trên từng kẽ lá, những hơi gió se lạnh thoảng mùi hoa sữa báo hiệu thu đã sang. Mùa thu là mùa của yêu thương và hoài niệm, mùa của áo trắng học trò thấp thoáng trên những nẻo đường, mùa của hương cốm mới, của những bưởi, na, hồng và hơn hết là mùa của những rạo rực cứ dâng dần lên theo tiếng trống ếch tùng... tùng...
Đã xa rồi những mùa trăng cũ. Lũ trẻ chúng tôi cứ đi học về là tụ tập nhau để kiếm tre, giấy màu làm đèn ông sao, đèn cù, vẽ mặt nạ; tìm hạt bưởi rồi bóc xâu vào dây thép, phơi cho khô nỏ để làm đèn đốt trong đêm hội.
Tan buổi học sáng, ăn vội ăn vàng bát cơm nguội rồi cả lũ trốn cha mẹ kéo nhau đi bộ lếch thếch “lên phố”, thèm “nhỏ dãi” khi đứng trước những long lanh, lộng lẫy xanh hồng vàng tía của mặt nạ, của đầu sư tử, đèn kéo quân, làn con thỏ, vương miện công chúa, tàu thủy đốt dầu hỏa chạy “phành phành” trong chậu nước... Với lũ trẻ nhà nghèo chúng tôi, đó là những món quà xa xỉ, không phải nhà nào cũng mua được cho con. Chúng tôi cứ ngơ ngẩn dắt nhau lượn hết hàng nọ sang hàng kia, loanh quanh trên mấy con phố cổ, chỉ trỏ, bình luận rồi lại lếch thếch ra về với những ao ước thầm kín trong lòng, không nói ra nhưng có lẽ đứa nào cũng giống đứa nào.
Mong ngóng chờ đợi mãi rồi đêm Rằm cũng đến trong tiếng trống rình rang rộn rã khắp con phố nhỏ, những đội rước đèn ông sao, múa sư tử tưng bừng nhảy múa tới mướt mồ hôi rồi tụ nhau vào sân bể nước của khu tập thể bày cỗ trông trăng. Mâm cỗ Trung thu thời ấy cũng có đủ bánh nướng, bánh dẻo, chuối vàng, cốm xanh, hồng đỏ, cả những con chó xù bằng bưởi, tác phẩm của mấy cô nàng khéo tay... Chúng tôi chăng dây treo những xâu hạt bưởi rồi đốt lửa làm đèn, sáng lắm! Trong ký ức của người viết, ánh sáng từ những xâu hạt bưởi còn rực rỡ hơn hết thảy những ánh đèn điện la-ze, ne-ông thời bây giờ, đủ để chiêm ngưỡng những “tác phẩm nghệ thuật” đã dày công sáng tạo từ hàng tháng qua và đủ để soi sáng những vương miện công chúa, hoàng tử đang nhiệt tình biểu diễn những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, hái hoa dân chủ, đố vui trúng quà... Rồi há hốc mồm nghe bà nội tôi kể chuyện cổ tích... “Ngày xửa ngày xưa, trên Cung trăng có một nàng tiên tên là Hằng Nga... có chú Cuội ngồi dưới gốc đa ngó xuống Trái đất...”.
Trung thu những ngày ấy được mặc định là tết của riêng chúng tôi, ngày hội lớn của chúng tôi, mãi mãi sẽ là những kỷ niệm tuổi thơ đi theo miền ký ức của những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cơ cực, thiếu thốn ngày nào. Còn giờ đây, đồ chơi điện tử hiện đại được bày bán khắp nơi, bọn trẻ con chẳng còn háo hức thắp nến, rước đèn trong đêm rằm như ngày nào. Dường như chúng thờ ơ, vô cảm trước những món đồ chơi truyền thống... Những xanh hồng vàng tía giấu kín trong nỗi thèm thuồng của lũ chúng tôi ngày đó giờ có lẽ chả làm ai động lòng. Và nữa, những chiếc bánh trung thu cũng chỉ còn mang tính chất như một món quà trao qua gửi lại cho các mối quan hệ xã hội, hầu như chả còn ai thiết tha, háo hức chờ đợi đến tận lúc “phá cỗ” mới được thưởng thức. Với nhiều người, Trung thu có ăn bánh nướng bánh dẻo hay không cũng không còn là điều quan trọng.
Không phải chúng tôi cứ mãi hoài niệm chuyện xưa ngày cũ, mà thấy có gì đó tiếc nuối cho lũ trẻ bây giờ. Cái không khí nồng ấm và rất đỗi hồn nhiên của đêm Rằm tháng Tám năm nào có lẽ chúng sẽ không bao giờ có cơ hội để cảm nhận. Tết Trung thu trong đời sống đương đại sao mà khó cảm đến thế. Biết đổ lỗi cho ai, hay lại thở dài “mỗi thời mỗi khác”. Có lẽ là vậy, nên giờ người ta cứ hay bảo nhau: Tết Trung thu là... dành cho người lớn. Nghe qua thấy có vẻ kỳ kỳ, nhưng ngẫm ra thì nó lại đúng mới lạ. “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà.
ĐỖ CAO HUYỀN