Nhiều lúc chỉ thầm ước...

VHO- Hơn sáu mươi thầy, cô giáo tiêu biểu thuộc hai mươi sáu dân tộc thiểu số trên cả nước đã có mặt tại Hà Nội để tham dự chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2020. Những tâm sự của các thầy cô tại chương trình nghe rất đỗi giản di, mộc mạc nhưng có cái gì đó khiến người nghe cảm thấy nghèn nghẹn. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình công tác tại huyện Mường Tè (Lai Châu), cô giáo Vàng Ha De, sinh năm 1990, người dân tộc La Hủ nhiều lúc bị ngắt quãng…

Cô cho biết, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều phụ huynh ở địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Những năm trước, ngày nào các thầy cô giáo cũng phải đến các bản, vận động từng học sinh tới trường. “Lớp học của cô trò chúng tôi dựng bằng ván gỗ, điều kiện vật chất thiếu thốn đủ đường, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn cố gắng vừa công tác tốt, vừa thay phụ huynh chăm lo cho học sinh từ việc giặt giũ đến vệ sinh cá nhân. Nhiều lúc, tôi chỉ thầm ước điểm trường được xây dựng kiên cố hơn, có nhà vệ sinh để cô trò bớt khó khăn”, cô Vàng Ha De bật khóc nói. Cô Phùng Thị Thủy, sinh năm 1992, người dân tộc Thái thì bộc bạch: “Tôi công tác tại Điểm trường Mầm non xã Pa Thơm, là điểm trường xa nhất tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Điểm trường chưa có sóng điện thoại, chưa có điện, cho nên thường chỉ vào dịp cuối tuần, tôi mới được liên lạc về gia đình một lần”. “Trước đây, Điểm trường của chúng tôi được phụ huynh học sinh góp sức trát bùn làm vách đất, mái cũng chỉ lợp lá, ngày mưa giáo viên muốn tới trường phải đi bộ hơn bốn giờ. Đến nay, dù cơ sở vật chất đã cơ bản được cải thiện, nhưng Điểm trường vẫn chưa có điện. Trời lạnh đến mấy, cô trò cũng đều dựa vào nguồn điện năng lượng Mặt trời ít ỏi để sinh hoạt mỗi ngày”, cô Thủy cho hay.

Còn cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, PhúYên) bày tỏ, hiện nay học sinh ít biết về truyền thống văn hóa của dân tộc. Tại Sông Hinh, người Êđê, Ba na có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá, như văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… nhưng học sinh người Êđê, Ba na rất ít biết đánh cồng chiêng; ít biết hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. ”Các em gần như không biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần... Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”, cô Trang chia sẻ.

Nói chuyện với các thầy cô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần tận tụy, cống hiến của 63 giáo viên tiêu biểu và mong muốn các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục, kiên trì trong vận động đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em tới trường, duy trì việc học tập. Qua những tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong các vấn đề cụ thể như cơ sở vật chất của trường, lớp; điện, nước, sóng điện thoại; bữa ăn đủ dinh dưỡng; nhà vệ sinh; giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc.

“Tôi mong muốn các thầy, cô giáo được tuyên dương dịp này trở thành những vị đại sứ đầu tiên của chương trình vận động, nêu lên các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn”, Phó Thủ tướng nói. 

 THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc