Nghĩ về công trình nhà hát hơn 200 tỉ đồng
VHO- Âm thầm, lặng lẽ đến mức kín tiếng bởi trước đó dường như ít ai biết, để rồi hôm qua 22.9, tỉnh An Giang đã tổ chức khởi công xây dựng một trong những thiết chế quan trọng của địa phương này, đó là công trình Nhà hát với diện tích hơn 1,63 ha và tổng mức đầu tư hơn 215 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Theo thiết kế, Nhà hát có khoảng 1.000 ghế và khối trụ sở làm việc của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang với khoảng 2.187m2, dự kiến công trình sẽ được đưa vào hoạt động cuối quý III năm 2022.
Sở dĩ phải nói là kín tiếng đến mức không ai hay về dự án này có lẽ bởi An Giang đã rút ra được “kinh nghiệm” gì chăng ở một số tỉnh, thành khác khi mới đưa ra ý tưởng hay chủ trương xây dựng một công trình văn hoá bề thế mang tên Nhà hát giao hưởng hay Nhà hát Hoà Bình... thì ngay lập tức đối mặt với phản ứng dữ dội từ dư luận. Tựu chung của sự phản đối ấy là nước ta còn nghèo, chưa cần phải có những nhà hát to lớn đến thế, dành tiền đó cho việc khác hữu ích hơn... Chúng tôi không thiên về ý kiến nào bởi mọi sự so sánh đều có sự phiến diện của nó, nhưng lại nhớ đến tâm tư của một lãnh đạo cấp Trung ương khi đến làm việc với TP.HCM về đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá. Vị lãnh đạo này đã nói đại ý rằng, TP là đầu tàu kinh tế, thương mại và cũng là trung tâm giao lưu văn hoá, thế mà sau hơn 40 năm giải phóng, đến nay vẫn không xây dựng nổi một nhà hát có sức chứa nghìn chỗ ngồi. Những nhà hát hiện đang sử dụng đều là công trình cũ được tận dụng lại.
Sự tranh cãi xung quanh việc xây dựng công trình văn hoá nói chung và công trình Nhà hát nói riêng chắc chưa dừng lại và nó sẽ được “lưu danh” với hậu thế. Để rồi, khi chúng ta muốn tổ chức một sự kiện văn hoá âm nhạc mang tầm cỡ khu vực hay quốc tế thì... đành chào thua. Ngay như Hà Nội, để tổ chức một sự kiện âm nhạc lớn ở trong nhà thì Nhà hát Lớn liệu có đủ sức chứa hay lại phải chuyển đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi vốn trong thiết kế, xây dựng không phải là nơi đủ tiêu chuẩn để làm nên không gian biểu diễn tầm cỡ.
Và cũng không cần bàn cãi nhiều nữa, việc xây dựng các công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang có ý nghĩa rất quan trọng, trở thành nơi sinh hoạt, hoạt động văn hóa, thể thao cho người dân, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các công trình văn hóa này sẽ trở thành trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm qua, các hoạt động văn hóa nghệ thuật các dân tộc tại địa phương này phát triển rất mạnh nhưng thiếu cơ sở phục vụ biểu diễn và các hoạt động văn hóa, thể thao của người dân cũng chưa có điểm để sinh hoạt. Việc khánh thành, khởi công xây dựng một thiết chế văn hóa tầm cỡ cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang trong việc đầu tư nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, mặc dù bối cảnh phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Công trình Nhà hát An Giang sẽ trở thành diện mạo của tỉnh trong lĩnh vực hoạt động văn hóa văn nghệ chuyên nghiệp và quần chúng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa hấp dẫn của người dân địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt, tương lai sẽ trở thành trung tâm biểu diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp mang tầm cỡ quốc gia.
TS LIÊU NGỌC ÂN