Ngẫm về “thủy hỏa đạo tặc” thời hiện đại

lMINH TUỆ

VHO - Thuở xưa, ông bà ta thường nói đến bốn mối nguy trong đời sống xã hội, đó là: Thủy, hỏa, đạo, tặc. Thủy là nước, thường là lũ lụt, cuốn trôi con người và tài sản. Hỏa là lửa, lửa cháy nhà, nhất là những ngôi nhà tranh vách lá. Đạo là trộm cắp, là những kẻ không muốn làm chỉ muốn ăn, muốn nhanh giàu, giàu lại muốn giàu thêm. Tặc là cướp bóc, dùng bạo lực, sẵn sàng đâm chém để lấy của người khác. “Thủy hỏa đạo tặc” trở thành nỗi ám ảnh cuộc sống con người.

Tôi nhớ thời chiến tranh ác liệt, dân của năm bảy làng chạy dạt đến một ngọn đồi thấp. Họ dùng tre nứa cất những túp lều nhỏ, mái lợp rạ, vách trát bằng rơm trộn bùn, các túp lều nằm san sát nhau thành khu trại mật tập. Có người phụ nữ kia một hôm đổ bánh xèo, lúng túng thế nào ngọn lửa bén lên trại, thế là cả khu cháy rụi, có người bị chết thiêu, người may mắn thoát chết thì số tài sản ít ỏi cũng tan thành mây khói. Tất cả chỉ vì một người sơ ý.

Xưa, nhà cửa, phương tiện thô sơ, thiếu thốn, do vậy số người chết vì lũ lụt hằng năm không ít. Rồi bọn trộm cướp thừa cơ người ta sơ ý mà đào tường, khoét ngạch đột nhập vào nhà lấy của… Nay, những tưởng thủy hỏa đạo tặc sẽ dần chấm hết, nhưng hóa ra nó vẫn dai dẳng tồn tại và “biến tướng” theo kiểu khác, cách khác.

Nhờ chủ động phòng tránh, số người chết do lũ lụt nay đã giảm hẳn, nhưng người ta lại chết đuối do… đi bơi hoặc bất cẩn rơi vào vũng nước sâu. Thời hiện đại, những căn nhà lá hầu như không còn, cứ ngỡ giặc “hỏa” đã tuyệt chủng, thế nhưng không phải vậy. Những khu chợ hiện đại cũng cháy. Các chung cư bê tông cốt thép cũng ra tro. Lửa điện té ra còn đáng sợ hơn lửa củi. Những ngôi nhà xây dựng vững chắc đã trở thành những cái lồng khóa kín mà con người khó có thể thoát ra. Đột nhập vào nhà ăn trộm xưa rồi, nay người ta lừa đảo nhau trên mạng. Còn cướp thì có cướp xe hơi đắt tiền, cướp tiền bạc, cướp ngân hàng với giá trị lớn. Không cần phải viện dẫn đâu xa, báo chí thường xuyên đưa tin các hiện tượng này. Rõ ràng, cơ quan chức năng của nhà nước vẫn phải đặc biệt chú ý đến các mối nguy “thủy hỏa đạo tặc”.

Phòng cháy hơn chữa cháy, nên ngăn ngừa mối nguy từ gốc, tức là ngay ở nơi phát sinh của nó, và cộng đồng cũng như mỗi thành viên xã hội cùng phải chung tay. Đầu tiên, mỗi người tự xét xem trong mỗi động thái của mình có mối nguy nào cho chính bản thân và cho cộng đồng xã hội hay không. Chẳng hạn khi phá một vạt rừng, hãy tự hỏi có phải đang “tiếp tay” cho nước lũ cuốn trôi làng mạc dưới hạ nguồn? Khi hút cát sông mà không “hoàn thổ”, có phải đã để lại những “hố tử thần” để người sơ sểnh thụt vào? Người bán trong chợ nên tự hỏi: Điện đóm, nhang đèn khi cúng có nguy cơ đối với gian hàng của mình và của toàn khu chợ hay không, có bình cứu hỏa chưa? Những người quản lý chung cư nên tự hỏi mình và các thành viên trong khu nhà đã phòng cháy đến đâu. Với nạn trộm cắp, dù trên không gian mạng hay ngoài đời thực, mỗi người luôn phải cảnh giác, không thể lơ là!

Nói tóm lại, nếp sống văn hóa ở đây chính là dự lường được các mối nguy, vì mình và vì người khác, là thói quen cẩn trọng trong mọi việc, cũng là một hành vi của văn hóa, văn minh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc