Nên hay không nên?
VHO- Bắt đầu từ ngày 7.9 vừa qua, Sở VHTT Thừa Thiên Huế có kế hoạch cho nam cán bộ công chức mặc áo dài ngũ thân truyền thống vào mỗi thứ Hai đầu tháng. Đây là một hoạt động có ý nghĩa khi chúng ta đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, và trang phục áo dài được xem là một trong những cách hữu hình nhất để thể hiện tình yêu đối với dân tộc, cũng như mong muốn định hình một bộ quốc phục vốn từ lâu đã trở thành một chủ đề được bàn đi bàn lại mà chưa đạt được kết quả như ý muốn.
Tuy nhiên, câu chuyện sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống tại công sở là khá phức tạp. Chính vì thế, những nỗ lực của ngành văn hóa Thừa Thiên Huế có thể được xem như những thử nghiệm để hiện thực hóa những mong ước bấy lâu của những người yêu văn hóa dân tộc. Xác lập một bộ quốc phục là nhu cầu có thật. Chúng tôi, trong những lần dự tiếp tân ở nước ngoài, khi chủ nhà đề xuất những người dự tiệc sử dụng trang phục dân tộc nước mình, đã rất lúng túng khi không biết mình sẽ phải mặc gì ngoài bộ veston vốn đã rất quen thuộc. Nhìn bạn bè quốc tế như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia… hãnh diện trong những bộ trang phục truyền thống của họ, những người Việt Nam đều cảm thấy mình còn thiếu một yếu tố quan trọng để tạo nên niềm tự hào dân tộc: đó là bộ quốc phục.
Trong những dịp lễ lạt truyền thống, việc mặc một bộ trang phục truyền thống chắc chắn sẽ khiến các lễ nghi trở nên trang trọng hơn, thể hiện thái độ thành kính hơn đối với tiền nhân. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do thuyết phục khác để chúng ta thấy sự cần thiết phải có một bộ trang phục truyền thống cho nam giới.
Dù vậy, cũng có quá nhiều điều khiến cho việc xác lập một bộ quốc phục trở nên khó khăn. Chúng ta biết rằng, “truyền thống không có nghĩa là gìn giữ đống tro, mà là truyền tiếp ngọn lửa”. Việc phục dựng nguyên những bộ trang phục truyền thống sẵn có chắc chắn không phải là giải pháp tối ưu để hình thành bộ quốc phục trong cuộc sống công nghiệp, đầy bận rộn hiện nay. Vì thế, nhiều hội thảo, hội nghị đã bàn luận về vấn đề này nhưng vẫn chưa cho ra đời được một mẫu chuẩn cho quốc phục. Áo dài ngũ thân truyền thống cần có hơi thở của đương đại mới có thể phù hợp với bối cảnh hiện tại để trở thành bộ quốc phục. Những thử nghiệm ở Huế cũng đang đi theo xu hướng này.
Vấn đề tiếp theo liên quan đến mối quan hệ giữa trang phục và công việc. Trang phục là để phục vụ công việc chứ ít khi công việc phục vụ trang phục. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó ghi rõ tại Điều 6, lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức là bộ comple, áo sơ mi, cravat, như một cách khẳng định sự trang trọng và thuận tiện của trang phục này trong các công việc Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao, nhiều nước quanh Việt Nam, dù có trang phục truyền thống, nhưng các nguyên thủ quốc gia đều sử dụng âu phục trong các hoạt động thường ngày, trừ một số dịp đặc biệt.
Như vậy, có thể nói rằng, chúng ta có một nhu cầu đối với việc xác định trang phục truyền thống dân tộc, cụ thể ở đây là quốc phục, như một cách tôn vinh giá trị văn hóa quốc gia, thể hiện niềm tự hào dân tộc trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà các quốc gia cần khẳng định bản sắc của mình để tránh bị hòa tan. Việc sử dụng trang phục áo dài ngũ thân truyền thống ở nơi rất phù hợp như Thừa Thiên Huế có thể là những thử nghiệm hết sức đáng trân trọng và khiến nhiều người suy ngẫm nghiêm túc về trang phục truyền thống và quốc phục. Tuy thế, việc định hình một bộ quốc phục cần hết sức cẩn trọng. Không những vậy, khi xác định được bộ quốc phục rồi thì việc mặc khi nào, ở đâu, với ai cũng cần được cân nhắc để trang phục này thực sự tôn vinh văn hóa dân tộc và là niềm tự hào của người mặc.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN