Mùa hoa Sen
VHO - Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 5 ngày của tháng 7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ.
Đây là sự kiện lần đầu được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng Sen và các sản phẩm từ Sen; đồng thời đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà Sen Tây Hồ. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Lễ hội Sen lần thứ 2 sẽ diễn ra vào dịp cả nước long trọng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2024).
Hà Nội đã quá nổi tiếng với Sen Hồ Tây. Nhưng cũng không ít người biết rằng hơn 100 năm trước Hồ Gươm cũng có hoa Sen. Trong những bức ảnh đang treo ở Thủy Tạ có một bức đen trắng chụp Sen được trồng vào thời điểm đó. Ngược thời gian, Tạp chí Nam Phong số 67 (năm 1923) có đăng một bức tranh vẽ cảnh hoa Sen ở Hồ Gươm, với chú thích: “Cảnh hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội đang mùa Sen nở”. Bức tranh này là của ông Trần Phềnh, vẽ cho Hội Khai trí. Trong tranh, Sen mọc tràn cả vào bờ, rập rờn dưới chân cầu Thê Húc.
Còn với tỉnh Đồng Tháp, ai có dịp qua Cao Lãnh, Châu Thành, Tân Hồng, Tam Nông... nhất là tới xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười) cũng sẽ bị hoa Sen “hớp hồn”. Tỉnh này có tới 900 ha diện tích trồng Sen. Mô hình trồng Sen kết hợp với du lịch trải nghiệm. Nhiều gia đình nhờ đầm sen mà nuôi được con cái học đại học. Nói như ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Sen là loài hoa cao quý tượng trưng cho tinh thần, cốt cách người Việt Nam. Với riêng Đồng Tháp, Sen còn tượng trưng cho một phần phẩm chất của người dân nơi đây: nỗ lực vươn lên từ gian khó. Đồng Tháp tự hào là xứ sở của hoa Sen, nên đã chọn loài hoa này tạo dựng thương hiệu “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”.
Quan niệm của người xưa, hoa Sen đại diện cho cốt cách người quân tử, không vướng bận vào dục vọng và sự tham lam. Hoa Sen còn tượng trưng cho nét đẹp tinh khôi, sự duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt.
Trong Phật giáo phương Đông nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng thì hoa nở tượng trưng cho quá khứ. Đài Sen tượng trưng cho hiện tại. Còn hạt Sen tượng trưng cho tương lai, sự nối tiếp liên tục. Hoa Sen được nhà Phật coi là đại diện cho 8 đặc tính: Trừng thanh (nghĩa là lọc, gạn, làm trong suốt) - Vô nhiễm (không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài mà xấu đi) - Kiên nhẫn (biết chờ đợi kể cả trong hoàn cảnh khó khăn) - Thanh lương (tinh thần vượt khó, làm dịu mát tâm hồn) - Viên dung (không vì tư lợi trước mắt mà bỏ đi lòng từ bi thiện lành) - Ngẫu không (bên trong rỗng như từ bỏ những buồn khổ toan tính) - Hành trực (sự ngay thẳng) - Bồng thực (hoa và quả xuất hiện cùng lúc, là nhân quả đồng thời).
Sen là một loài hoa rất khác biệt. Là mầm thì ẩn trong bùn, đến khi gần trổ thì vượt khỏi bùn, vươn lên mặt nước rồi mới bung nở. Sen ẩn mình trong bùn như một minh chứng của sự bất diệt. Cũng như con người vậy thôi, mọi sự đều sẽ đi qua, chỉ có phẩm giá là còn lại trên thế gian này. Cho đến khi tàn Sen vẫn mang vẻ đẹp rất riêng, người ta gọi là “dã liên”. Mùa Sen năm nay lại đến. Đất nước mình nhiều hoa, nhưng hoa Sen thì thật đẹp, vì thế từ lâu trong lòng mỗi người đã coi đó là Quốc hoa. Không chỉ Việt Nam mới có hoa Sen, nhưng du khách quốc tế đều tấm tắc khen rằng chỉ ở Việt Nam Sen mới đẹp nhất.
Ở một khía cạnh nào đó, hoa Sen là lời mời gọi du khách gần xa đến với Việt Nam. Khi mùa Sen nở.