Ly kỳ “nhặt được của rơi”... không trả

VHO- Mới đây tòa án đã tuyên phạt một phụ nữ ở TP.HCM 4 năm tù và phải trả lại hơn 260.000 USD bị chuyển nhầm vào tài khoản mình nhưng không trả lại. Trước đó, có nhiều trường hợp chuyển nhầm vào tài khoản người khác bị mất tiền hoặc cũng rất vất vả, theo kiện thời gian dài mới đòi lại được. Điều ly kỳ ở vụ án này là dù biết nhận nhầm 260.000 USD và người chuyển nhầm vất vả đi đòi, kiện cáo nhưng người nhận nhầm... kiên quyết không trả, dù có thể phải đi tù.

Ly kỳ “nhặt được của rơi”... không trả - Anh 1

 Qua vụ án thấy rằng, về nguyên tắc khi chuyển nhầm thì có thể liên hệ hoặc kiện ra tòa đòi lại số tiền bị chuyển nhầm nhưng trong một số trường hợp có đòi lại được tiền cũng rất vất vả, tốn thời gian công sức. Trên thực tế một số trường hợp số tiền không lớn và thủ tục đòi lại tiền vất vả nên nhiều người bỏ cuộc, chịu mất tiền.

Nguyên nhân bắt nguồn do sự nhầm lẫn của người chuyển tiền nhưng người nhận được tiền nhầm phải trả lại cho chủ sở hữu của nó khi có yêu cầu. Tuy vậy, vì tham lam nên người nhận nhầm thường cố tình muốn chiếm giữ toàn bộ tài sản hoặc mặc cả để được nhận tiền “lại quả”, do đó hành vi của họ cấu thành tội “chiếm giữ trái phép tài sản” được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên nhiều người cứ nghĩ rằng mình nhận được tiền do chuyển nhầm nên không phải do lỗi của mình nên có quyền chiếm giữ, sở hữu. Cũng có người dù biết việc giữ tiền chuyển nhầm của người khác là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình dây dưa, chiếm hữu hoặc làm mọi cách để không trả lại...

Việc nhận được tiền chuyển nhầm mà dây dưa hoặc không trả lại cho chủ sở hữu gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Đó là không những ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội, tạo ra khối lượng công việc buộc cơ quan liên quan phải mất công giải quyết. Đặc biệt, một số người do thiếu hiểu biết từ việc nhận nhầm tiền “trên trời rơi xuống” hoặc vì lòng tham mà vô tình vướng vào vòng lao lý không đáng có.

Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc nhận chuyển nhầm tiền, nói cách cách “nhặt được của rơi” nhưng không trả cho người chủ sở hữu là hành vi phạm tội, có thể bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần có hướng dẫn, xác thực thông tin người nhận nhằm hạn chế việc chuyển nhầm. 

PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc