Liệu có “thấy tật mà giật mình”?
VHO- Thông tin về diễn viên hài khá nổi tiếng vừa vướng phải vòng lao lý vì sử dụng chất cấm đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Đây không phải là lần đầu và cũng không phải là điều hiếm gặp, tuy nhiên, mỗi khi có người trong giới showbiz bị phanh phui vì dính vào tệ nạn xã hội đều gây bức xúc trong xã hội và nhận về vô vàn lời đàm tiếu. Người thương thì tặc lưỡi tiếc cho một tài năng sớm nở tối tàn, kẻ ghét thì buông lời cay đắng “cho đáng đời, là nghệ sĩ mà không biết giữ mình”… Còn người trong giới, liệu có ai “thấy tật giật mình” để lấy đó làm bài học nhãn tiền cho mình?
Người viết còn nhớ mãi câu nhắn gửi của một nghệ sĩ từng được công chúng mến mộ, nhưng chỉ vì một khoảnh khắc “xiêu lòng” đã sẩy chân, rằng “người bình thường thì uốn lưỡi 3 lần rồi hãy nói, còn nghệ sĩ thì cố gắng uốn lưỡi 7 lần mới phát ngôn”. Nói ra điều đó để thấy rằng, phía sau ánh hào quang rực rỡ là thử thách cực kỳ khắc nghiệt dành cho những người khoác lên vai danh xưng “nghệ sĩ”. Để có thể sở hữu hai từ cao quý đó, người ta phải phấn đấu “trầy vi tróc vẩy”, phải “nếm mật nằm gai” và tiêu tốn không ít mồ hôi, nước mắt và cả đổ máu trên sàn tập; là những năm tháng tuổi trẻ vùi mình trên ghế giảng đường, trong thư viện và trên cả “đấu trường” sân khấu, khi chờ đợi mòn mỏi mấy tiếng đồng hồ chỉ để đổi lấy 5 phút xuất hiện... Đến khi đã được vinh danh thì gánh nặng đó cũng không hề nhẹ đi, bởi song hành với hào quang luôn là vực thẳm, chỉ trực đợi người ta sẩy chân là lôi tuột xuống hố sâu của dục vọng thấp hèn. Có thể nói, để bảo vệ được danh xưng ấy, đòi hỏi nghệ sĩ phải có bản lĩnh cao gấp mấy người bình thường, người ta giữ ba thì mình phải giữ bảy, để không phải cay đắng thốt lên câu “giá như…”.
Vụ việc của diễn viên hài kia liệu có là hồi chuông cảnh tỉnh lớp nghệ sĩ trẻ đang say trong ánh hào quang, hay chỉ là viên đá ném xuống ao bèo, hết sóng là lại lặng như chưa từng xảy ra? Trong cuộc mưu sinh đầy áp lực, trở về sau những ngày làm việc căng thẳng, sự cô đơn và những đồng tiền kiếm được quá dễ dàng đã khiến không ít người trẻ dính vào cạm bẫy chết người. Trong quá khứ, một nam diễn viên nổi tiếng của điện ảnh phía Bắc có xuất phát điểm là mơ ước của biết bao người, nhưng đã tuột dốc không phanh và phải trải qua những tháng ngày tăm tối, khổ sở khi chìm đắm trong nghiện ngập. Hai lần tự tử và vô số lần cai nghiện bất thành đã biến ông từ một “phong lưu công tử” đất Hà Thành trở thành kẻ trắng tay, không bạn bè, người thân xa lánh… Đó là tất cả hệ lụy mà ông phải gánh chịu, phải tiêu tốn cạn kiệt cả quãng đời thanh xuân khi dính vào “cái chết trắng”.
Những năm vừa qua, không ít “lùm xùm” trong giới giải trí đã khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của những người làm nghệ thuật chân chính. Để có một “khung sườn” vững chắc làm “kim chỉ nam”, Quy tắc ứng xử nghệ sĩ đã được Bộ VHTTDL ban hành và được xem như bản cam kết của giới nghệ sĩ trước công chúng và xã hội. Sự cam kết này tuy chưa phải là chế tài khắc định, nhưng có thể coi là dây phanh để nghệ sĩ, nhất là những người trẻ, neo vào mà soi chiếu hành vi ứng xử của mình.
Cuộc đời rất công bằng, nếu anh làm những điều tốt đẹp, xã hội sẽ tôn vinh anh, nhưng nếu anh làm sai, chính anh sẽ là người phải trả giá đắt nhất cho những điều sai trái đó. Thậm chí, tiếng xấu để lại không biết đến bao giờ mới phai, bởi “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
ĐỖ CAO HUYỀN