Lại bàn về địa danh khi sáp nhập

CAO CHƯ

VHO - Chúng ta đang tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính, và một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm là khi các đơn vị hành chính sáp nhập thì mang tên gì. Trước tiên xin khẳng định rằng, nếu như địa danh là một cái tên thuần túy, thì một tên gọi bất kỳ nào đấy cũng có thể được. Nhưng địa danh lại gắn liền với truyền thống lịch sử văn hóa, với đời sống tinh thần của cả cộng đồng người, vì thế không hề dễ lựa chọn.

 Địa danh càng cổ thì khả năng “thấm đẫm” giá trị văn hóa càng nhiều, vì chúng đã tồn tại trong một thời gian lâu dài. Ngược lại có những địa danh còn quá non, quá trẻ, như tên một xã mới được đặt cách nay vài chục năm, thì chưa hề đủ thời gian gắn với sự kiện và truyền thống. Điều thứ hai muốn nhấn mạnh chính là tính hệ thống và quy luật trong đặt tên xã từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Khi hoạch định lại xã mới (so với trước đó), chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời đặt tên cho xã mới ấy.

Chẳng hạn các xã trong huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là Bình Trung, Bình Chương, Bình Chánh… Sao lại có chữ Bình ở đầu? Là vì các xã này thuộc huyện Bình Sơn. Cái lợi ở đây chính là ở chỗ khi nghe tên xã, người ta biết ngay xã ấy thuộc huyện nào, rất thuận tiện cho nhà quản lý cũng như cộng đồng dân cư.

Trong toàn quốc hầu hết đều vận dụng theo cách thức tương tự. Tôi gọi danh pháp này là chùm địa danh, tiếng Anh là cluster of toponyms, tức là địa danh được xâu lại thành chùm. Nó là một bộ phận, hợp với các bộ phận khác ở các địa phương khác thành một hệ thống, và việc đặt tên như vậy cũng trở nên quy tắc, hợp lý và thuận tiện, kể cả khi ta sử dụng công nghệ thông tin để xử lý nó. Khi tách, nhập cũng không thể bỏ qua quy tắc này.

Như xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa) khi tách lập một xã mới thì mang tên Nghĩa Sơn, tức vẫn có chữ Nghĩa ở đầu. Thế nên điều tôi khá băn khoăn là hai trường hợp định danh xã khi sáp nhập ở tỉnh Quảng Ngãi vừa qua. Đó là trường hợp hai xã Đức Thắng và Đức Lợi (huyện Mộ Đức) hợp nhất và định danh là xã Thắng Lợi, hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (huyện Tư Nghĩa) hợp nhất thành một xã và gọi là xã An Phú. Victory (Thắng Lợi) hay vừa yên vừa giàu (An Phú) thì sướng quá rồi, nhưng nếu như vậy, tên xã Thắng Lợi nằm ở đâu trong chùm địa danh xã của huyện Mộ Đức (với các chữ Đức làm đầu, như Đức Nhuận, Đức Chánh, Đức Tân…)?

Tương tự như vậy, có phải tên xã An Phú “bật” khỏi lập trình vi tính trong chùm tên xã của huyện Tư Nghĩa (toàn lấy chư Nghĩa làm đầu, như Nghĩa Trung, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thương…)? Hẳn khi định danh Thắng Lợi hay An Phú người ta có ý bảo lưu tên gọi các xã vốn có. Nhưng cụ thể trong trường hợp này, xã Nghĩa Phú vốn là một phần của xã Nghĩa An, chỉ mới tách lập từ năm 1983, còn xã Đức Lợi cũng chỉ mới tách lập từ xã Đức Thắng từ thời kháng chiến chống Mỹ, chưa phải quá lâu. Vậy cớ gì chẳng chọn lấy một giải pháp đơn giản và hợp lý nhất: Tên của “mái nhà chung” vốn có (tức tên xã Đức Thắng và tên xã Nghĩa An), mà lại đành “hy sinh” quy tắc chùm địa danh để phải chịu rắc rối? Qua đó thấy việc định danh cụ thể khi sáp nhập đơn vị hành chính vẫn còn là vấn đề. Ở bài viết trước tôi có nhấn mạnh đến sự cẩn trọng khi xử lý với các địa danh là di sản văn hóa (các địa danh lâu đời), và lần này, qua trường hợp 2 tên xã của tỉnh Quảng Ngãi, lại vẫn thấy thiếu sự lý giải một cách khoa học và thấu đáo, ứng xử một cách phù hợp.