Kỳ khai giảng đặc biệt

VHO- Hôm qua 5.9, Lễ Khai giảng năm học mới đã diễn ra trong một không khí thật đặc biệt, không cờ đèn kèn trống rộn ràng, không có những dòng người đông đúc trên đường phố, không có cảnh học sinh ríu rít rộn rã sân trường. Nhưng ở cả ba miền Tổ quốc vẫn có những Lễ Khai giảng được tổ chức tập trung, dù gọn gàng mà vẫn đầy đủ nghi thức, vẫn thiêng liêng khi hồi trống khai trường âm vang…

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội trong nước, và cả trên phạm vi toàn thế giới. Lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ, để phòng chống dịch bệnh, Lễ khai giảng năm nay đã được tổ chức giản tiện đến mức tối đa và chỉ mang tính đại diện, phần lớn học sinh và thầy cô giáo các trường đều tham dự lễ khai giảng qua hình thức trực tuyến. 
 Trong đời mình, người viết đã chứng kiến hai Lễ khai giảng rất đặc biệt. Lần đầu là trải nghiệm của bản thân, đã diễn ra cách đây 46 năm, đó là ngày 5.9.1975, khi miền Nam vừa được giải phóng, đất nước thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt. Ngày ấy, cả nước còn thiếu thốn trăm bề vì mới bước ra khỏi chiến tranh. Nhưng lũ trẻ mới 6-7 tuổi chúng tôi đều vô cùng náo nức, hân hoan khi lần đầu tiên được đến trường dự Lễ khai giảng. Còn nhớ ba đưa tôi đến trường bằng chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng cả hai cha con đều ăn mặc rất tươm tất, và đó là lần đầu tiên tôi được mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng, áo đóng thùng, khoác chiếc cặp cũ của chị gái tặng lại nhưng bên trong có những tập vở mới tinh. 

Kỳ khai giảng đặc biệt - Anh 1

Học sinh ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 dự Lễ Khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến

Trước khi gửi tôi cho cô chủ nhiệm lớp Một, ba dặn dò phải vâng lời thầy cô, phải tuân thủ kỷ luật của trường của lớp và còn nói, con đang rất hạnh phúc vì được đến trường khi Tổ quốc đã độc lập thống nhất, hãy thật trân trọng hạnh phúc ấy vì chúng ta đã phải trả một cái giá rất đắt để có được ngày hôm nay. Tôi vẫn khắc ghi lời dặn của ba, và nó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong suốt gần nửa thế kỷ qua… Bởi vậy, ngày hôm nay khi chứng kiến cảnh rất nhiều con em học sinh, đặc biệt là các cháu học sinh lớp Một, không được đến trường mà phải ngồi ở nhà để dự Lễ khai giảng năm mới học qua ti vi, máy tính bảng, điện thoại thông minh tôi cũng có chút chạnh lòng nhưng vẫn nghĩ đây chính là sự thử thách buộc chúng ta phải thích ứng trong hoàn cảnh mới.
Thật đúng như tinh thần trong Thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Không có thách thức nào có thể vượt cao hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí phấn đấu, quyết tâm dùi mài kinh sử, chinh phục tri thức để làm rạng danh tiên tổ, để phụng sự đất nước của dân tộc Việt nam trong suốt hàng ngàn năm văn hiến…”. Khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua nếu chúng ta có niềm tin, quyết tâm chiến thắng và biết thích ứng với hoàn cảnh. Các thế hệ học sinh ngày nay dẫu có đôi chút thiệt thòi vì không được trực tiếp đến trường trong những tháng ngày này do phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, nhưng những thiệt thòi ấy không là gì cả nếu so sánh với những hy sinh mất mát của bao thế hệ ông cha. 
Điều quan trọng là hãy trao cho các em niềm tin vào tương lai tươi sáng, dạy cho các em cách thích ứng với hoàn cảnh khó khăn cùng quyết tâm, nghị lực để vượt qua. Tôi vẫn luôn tin vào thế hệ trẻ, vì họ chính là tương lai của đất nước! 

TS PHAN THANH HẢI

 

Ý kiến bạn đọc