Không kỳ thị

VHO- “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn ra đoạn viết nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 để bắt đầu cho Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam mới, như một sự thể hiện rằng bình đẳng đóng một vai trò then chốt đối với sự phát triển đất nước. Từ đó suy rộng ra, mọi việc làm ảnh hưởng xấu đến bình đẳng trong xã hội đều đáng bị lên án, trong trường hợp nhất định, kỳ thị là một trong số đáng bị lên án đó.

Kỳ thị là một trong những vấn đề rất nghiêm trọng trong xã hội ngày hôm nay, thậm chí đến mức một số quốc gia đã phải ban hành luật chống kỳ thị. Kỳ thị được biểu hiện ở nhiều dạng vẻ, từ chủng tộc, tôn giáo đến giới tính, thu nhập… trong đó có cả bệnh truyền nhiễm, như chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Trong khoa học xã hội, để tránh cho đối tượng nghiên cứu khỏi bị kỳ thị, hay bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân của họ, các nhà khoa học đã sử dụng biện pháp ẩn danh cho các trường hợp nghiên cứu của mình. Ở trong tình trạng ẩn danh, trường hợp nghiên cứu mới có thể thông tin trung thực, thắng thắn về những vấn đề mà nhà nghiên cứu cần quan tâm, và vì vậy, tạo ra chất lượng tốt cho công trình nghiên cứu, có đóng góp cho sự hoàn thiện xã hội từ kết quả của các công trình khoa học.

Đất nước đang gồng mình chống dịch, và như Thủ tướng đã nói về quyết tâm của chúng ta: “chống dịch như chống giặc”. Nhiều nước còn tuyên bố tình trạng chiến tranh khi đấu tranh chống dịch Covid-19. Đúng là khi trong tình trạng chiến tranh, một số nguyên tắc thời bình có thể không áp dụng, chính vì thế, việc công khai hay không công khai danh tính những người bị bệnh, nghi bị bệnh có thể cần cân nhắc, tuy nhiên, có một nguyên tắc đạo đức nhất quán là không kỳ thị đối với những người bị bệnh và nghi bị bệnh, và chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu hơn ai hết nguyên tắc đạo đức đó. Đối với họ, cảm giác áy náy, tội lỗi là những thứ tồn tại thật (dù có thể do vô tình gây ra), nhưng có lẽ, ánh mắt thiếu thiện cảm, hành động xa lánh của người thân, bạn bè, hàng xóm, những người xung quanh và cộng đồng mới là những thứ đáng sợ nhất. Chính vì cảm giác lo sợ bị xa lánh, kỳ thị mà một số người mắc bệnh hay nghi bị bệnh đã trốn tránh khai báo, và điều này, đến lượt nó, lại gây thêm rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Nhận ra tính chất nghiêm trọng đó, ngày 16 tháng 3 năm 2020, trong phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “nhấn mạnh việc chống kỳ thị đối với người nhiễm Covid-19; lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo.”

Như vậy, mỗi cá nhân và cả xã hội cần có tấm lòng bao dung đối với người mắc bệnh và nghi bị bệnh. Họ đang ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo, cần sự động viên từ mọi người xung quanh để vượt qua nghịch cảnh. Chính vì thế, những lời động viên, chia sẻ và những tình cảm chân thành chính là những hành động đẹp đối với họ, chứ không phải là sự kỳ thị. Đó mới là đạo lý của người Việt Nam.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc