Khảo cổ học: Niềm vui, nỗi lo
VHO- Tại Hội nghị Thông báo những phát hiện mới năm 2019 do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới khoa học lịch sử.
Một số hình ảnh các di vật khảo cổ các nhà khoa học phát hiện được trong hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông
Một niềm vui hiện hữu là trong năm vừa qua, nhiều phát hiện quan trọng, những thành quả nghiên cứu mới đa dạng và có giá trị đã được công bố, tiếp tục khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt. “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” - câu thơ bất hủ ấy trong “Bình Ngô đại cáo” của Đại thi hào Nguyễn Trãi đã được các nhà khảo cổ học tiếp tục chứng minh qua cuộc khai quật các di cốt người cổ tại di tích hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông), ở Điện Kính Thiên (Hà Nội), Thành Nhà Hồ, Khu Lăng miếu Triệu Tường (Thanh Hóa) và đặc biệt là cuộc khai quật Khu di tích văn hóa Óc Eo... Đó là những mảnh ghép quan trọng để hình thành nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, 11 báo cáo nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước đã cho thấy sự trưởng thành đáng mừng của một chuyên ngành đang còn non trẻ ở nước ta. Cùng với việc khảo sát vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) lần 2 với khoảng 40 điểm nghi vấn được phát hiện thì Chương trình Khảo cổ học hàng hải Việt Nam tiến hành khai quật ở đảo Quan Lạn, khai quật hai lần ở di tích Đồng Chồi (Quảng Ninh) đã làm rõ hơn giá trị của các di tích và góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc trước khi Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế trong thời Trung đại.
Đây là những kết quả đáng mừng. Đúng như khẳng định của TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ý nghĩa to lớn của các công trình nghiên cứu khảo cổ học đó làđã phục dựng lại diện mạo một giai đoạn lịch sử quan trọng của quá trình hình thành các nền văn minh sớm của quốc gia, dân tộc, khơi dậy ý thức, niềm tự hào về giá trị truyền thống văn hóa, góp phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình hiện nay.
Nhưng bên cạnh niềm vui, vẫn còn đó những nỗi lo.
Cách đây 9 năm, tại Hội nghị Thông báo những phát hiện mới năm 2010 mà Văn Hóa đã đăng tải, PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam đã nêu thực trạng đáng lo là di tích khảo cổ đang bị phá hủy nhanh chóng và nạn đào phá các di chỉ để tìm kiếm cổ vật đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ; đồng thời ông đưa ra cảnh báo: “Nếu không bảo vệ được các di tích, di chỉ có nghĩa là ngành khảo cổ học sẽ “chết”.
9 năm sau, thực trạng đáng lo vàlời cảnh báo gần như vẫn còn nguyên giátrịkhi nạn lấy cắp, đào trộm cổ vật tiếp tục diễn ra và không chỉ ở các di chỉ khảo cổ mà còn diễn ra ở một phạm vi rộng lớn hơn: ở đình, đền, chùa… là các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Mới đây nhất, như Văn Hóa số báo ra ngày 27.9.2019 phản ánh, tại di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu (xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), kẻ gian ngang nhiên đào trộm cổ vật ngay trong hậu cung của đền. Không thể ngờ, kẻ gian chính là người được giao trông coi, bảo vệ di tích quốc gia đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu!
Cho dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ di sản, di tích đã tương đối đầy đủ; cho dù Bộ VHTTDL đã nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở tình trạng này nhưng nạn mất cắp cổ vật vẫn tiếp tục diễn ra. Di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt còn gì hay chỉ là cái nhà vô hồn nếu cổ vật, bảo vật cứ tiếp tục cái đà “không cánh mà bay”? Làm sao không “bay” được khi chính quyền nhiều địa phương vẫn còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, gần như khoán trắng cho những “ông từ” trông coi, bảo vệ di tích và không ít “ông từ” chính là kẻ gian như Văn Hóa đã phản ánh.
PHAN THANH NAM