Hợp lý và bất hợp lý

VHO- Đã 10 ngày kể từ khi Nghị định 100/2019/ NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực pháp luật nhưng từ bàn nhậu, quán cóc vỉa hè cho đến mạng xã hội vẫn không ngừng bàn thảo về nội dung “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, thậm chí có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Đúng là hiếm có quy định nào được người dân quan tâm như Nghị định 100.

Nếu tạm chia hai luồng dư luận ủng hộ và không ủng hộ thì dễ dàng nhận thấy, đa phần ủng hộ. Chỉ còn một số rất ít, trong đó có cả bác sĩ, luật sư… là không ủng hộ. Nói không ủng hộ cũng không hẳn chính xác mà về cơ bản vẫn ủng hộ, chỉ có một vài chi tiết trong Nghị định - theo lập luận của họ - đang gây tranh cãi và chưa thực sự hợp lý. Chung quy có mấy điểm sau:

 - Vì sao Nghị định 100 ban hành hai ngày sau đã áp dụng, gần như có hiệu lực ngay sau khi ban hành, thay vì thời hạn 45 ngày như các nghị định khác? “Một phát ăn ngay” trong khi dân chưa được tuyên truyền, chưa kịp biết những kiến thức tối thiểu đã bị phạt liệu đã hợp lý chưa?

- Việc áp dụng con số không (0) tuyệt đối có cơ sở khoa học không khi chỉ có Việt Nam và hơn chục quốc gia khác áp dụng, trong khi có đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới họ vẫn quy định một ngưỡng cụ thể mới áp dụng chế tài xử phạt? Đó là chưa nói Luật Giao thông đường bộ là loại luật mà cần có tương đồng rất lớn giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới để công dân của quốc gia này có thể dễ dàng hòa nhập khi đi du lịch hay công tác ở quốc gia khác.

Trong khi dư luận vẫn đang tranh cãi hợp lý hay không hợp lý, nhân văn hay không nhân văn, khoa học hay không khoa học thì ngoài đời có những con số rất thuyết phục: Báo điện tử Pháp luật TP.HCM hôm qua 9.1 cho biết, một tuần kể từ khi áp dụng Nghị định 100, số ca nhập viện cấp cứu do uống rượu bia ở các Bệnh viện Việt Đức, Thanh Nhàn (Hà Nội), Thống Nhất, Chợ Rẫy (TP.HCM) đã giảm hẳn, thậm chí có ngày không có ca nào! Chân lý là cụ thể. Đành rằng mới 10 ngày thì còn quá sớm để đánh giáhiệu quả của một quy định nhưng điều đó cho thấy, Nghị định đang đi vào cuộc sống.

Một điểm yếu thường thấy lâu nay là có những quy định pháp luật khi được triển khai đã không có sức sống, không có hiệu quả. Ngược lại, Nghị định 100 đang đi vào cuộc sống, cớ gì lại vặn vẹo những tiểu tiết không đáng?

Hơn 10 năm trước, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Đã uống rượu bia không được phép lái xe ô tô. Nếu lỡ uống thì sẽ bị phạt nhưng mức độ nhẹ nhàng; với người điều khiển xe máy cho phép 50 miligram/100 mililit máu hoặc 0,25 miligram/1 lít khí thở, còn người đi xe đạp thì… vô tư.

Hợp lý, khoa học và rất nhân văn. Thế nhưng cũng chừng ấy thời gian, hiệu quả, hậu quả như thế nào thì ngày nào chúng ta cũng đã được chứng kiến.

Cũng hơn 10 năm qua, không ngày nào báo đài không đưa tin, cảnh báo tai nạn giao thông liên quan đến “ma men”; không năm nào 63/63 tỉnh, thành không rầm rộ ra quân “Năm An toàn giao thông quốc gia", "Tháng An toàn giao thông quốc gia”. Tuyên truyền đến mức ấy, thế nhưng kết quả như thế nào thì tất cả chúng ta đều biết.

Nhà triết học duy tâm Heghel từng viết: “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Không biết đã hợp lý hay chưa nhưng với những quy định cũ thì cả xã hội đã "thấm đòn" rồi.

Tuyên truyền là đúng nhưng chưa đủ. Cùng với tăng cường công tác tuyên truyền thì cũng cần hình thức xử phạt nghiêm minh. Chỉ có như vậy thì ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông mới có sự chuyển biến. Hơn nữa, đúng như ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia bày tỏ: “Đừng nghĩ xử phạt là để phạt mà là một biện pháp để giáo dục, tuyên truyền. Đây là hình thức mạnh hơn lời cảnh báo. Cảnh báo bằng tiền, bằng chế tài lao động công ích, cảnh báo bằng việc bỏ tù để thay đổi hành vi, thói quen”.

Người ta thường hay nói “văn hóa nhậu nhẹt của người Việt”. Chẳng có gì “văn hóa” ở đây cả khi nhậu xong phóng lên xe, vi phạm pháp luật. Đó chỉ là thói quen, thói quen xấu.

Chế tài mạnh, xử lý nghiêm mới hy vọng thay đổi một thói quen xấu dai dẳng. Và với tốc độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cao nhất thế giới như hiện nay, Nghị định 100 không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn hướng tới một xã hội lành mạnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc