Giao tiếp thời “cô vít”
VHO- Câu nói của người xưa Tri nhân tri diện bất tri tâm là rất đúng trong điều kiện đời sống bình thường. Nhưng trong thời Covid, người ta phải đeo khẩu trang kín mặt nên câu nói đó có thể đổi lại là Tri tâm bất tri diện, tức là người ta không nhận ra ai sau lớp khẩu trang nhưng có thể nhận ra nhân cách con người ấy qua hành vi giao tiếp, ứng xử. Hiện tượng đó đã diễn ra rất đa dạng về hình thức. Như ở một chung cư nọ, văn hóa giao tiếp ứng xử thay đổi theo ba giai đoạn.
Ban đầu, khi chưa có Covid người ta gặp mặt nhau thường xuyên ở nhiều nơi như tầng hầm gửi xe, thang máy, siêu thị..., nhưng hầu như không có lời chào hỏi, rồi ai về nhà nấy, dù căn hộ sát vách cũng không giao tiếp.
Dường như ở chung cư không còn biết thế nào là “hàng xóm láng giềng” và con người tuy ở gần nhau hơn về khoảng cách địa lý nhưng lại xa nhau hơn về nhu cầu chia sẻ? Tiếp đến, khi đại dịch Covid ập đến, ai nấy phải đeo khẩu trang, giãn cách thì càng cảm thấy xa cách hơn. Rồi đến giai đoạn phong tỏa cả chợ búa, siêu thị..., có người trong chung cư lập ra “Nhóm Zalo” để giúp nhau đặt mua lương thực, thực phẩm... Người bán, người mua bấm máy liên tục, tín hiệu tin nhắn không ngừng vang lên.
Hãy đọc vài mẩu tin nhắn và nghe vài cú điện thoại để biết hoạt động của chợ: ... em có những hàng này... chị nào mua nhắn em nhé...; tôi cần thứ này ai có không?... ; em ơi! Chị quên chuyển tiền xin lỗi nhé... em cũng không nhớ nữa, cám ơn chị...; ai có dấm nuôi bán cho em một hũ... em để hơn 10 hũ nhỏ ở sảnh, các chị xuống lấy... nhưng em hết rượu trắng để nuôi dấm... chị còn một ít em lấy dùng đỡ...; chiếc máy dùng cho em bé vừa bị hư... chị nào có bán lại cho em cám ơn... để chị cho mượn...
Phiên chợ Zalo rất nhộn nhịp và đặc biệt ở chỗ không tranh giành, không cãi vã mà ngược lại mọi người dường như có nhu cầu giúp đỡ, nhường nhịn lẫn nhau. Mặc dù không biết mặt nhau nhưng cảm nhận rất rõ lòng tốt của nhau. Nhìn rộng ra ngoài chung cư càng thấy điều đó rõ hơn, rằng không ai nhìn thấy nét mặt những chiến sỹ áo trắng, khẩu trang xanh trên tuyến đầu chống dịch, chỉ nhìn thấy họ mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, nằm dưới nền đất vỉa hè, tranh thủ vài phút nghỉ trưa để làm việc xuyên ngày đêm thì nhận ra ngay họ thực sự là những người có đức hy sinh cao cả vì cộng đồng. Cũng không ai nhìn thấy nét mặt những người ở tuyến giữa và tuyền cuối, chỉ nhìn thấy ánh mắt đầy thông cảm của họ khi ân cần phục vụ nhân dân cũng nhận ra họ là những người có lòng nhân từ bác ái. Và những ngày gần đây, không ai nhìn rõ nét mặt các chú bộ đội trong bộ quân phục và khẩu trang màu xanh, chỉ thấy họ xách từng túi lương thực, thực phẩm đến gõ cửa từng nhà dân là biết họ đúng là những người mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Còn có những người giấu mặt rất kỹ nhưng chỉ cần đọc những dòng tin giả, những trang viết xuyên tạc sự thật, thổi phồng thảm kịch, gây hoang mang, hay những lời chê bai, chế nhạo, chia rẽ vùng miền... là nhận ra ngay họ là những kẻ sống ích kỷ, thực dụng, vô ơn, vô cảm trước nỗi đau của cộng đồng và những khó khăn của đất nước.
Đúng là thời Covid mặc dù “bất tri diện” nhưng lại có thể “tri tâm” sâu sắc hơn qua những hành động hy sinh cao cả vì cộng đồng. Và cho dù hoàn cảnh có làm thay đổi hình thức thể hiện nhưng không làm thay đổi “gen văn hóa” của con người Việt Nam.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN