Đừng để sự hy sinh của những chiến sỹ tuyến đầu trở nên vô nghĩa
VHO- Việc thiết thực nhất mà ai cũng có thể làm được là hiểu đúng, thực hiện tốt những quy định trong Chỉ thị của Thủ tướng, mỗi người hãy là một chiến sỹ trên mặt trận “chống giặc” Covid-19.
Trung úy Thông bên bàn thờ lập vội để tưởng nhớ người cha đã khuất tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: H.T)
Cũng như tôi, nhiều người đã rơi nước mắt khi xem hình ảnh Trung úy Đồn Biên phòng Thạch Trị (Long An) không thể về chịu tang nên đã lập vội bàn thờ để tưởng nhớ cha tại chốt trực chống Covid-19.
Đó là Trung úy Nguyễn Đình Thông đang làm nhiệm vụ trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồn Biên phòng Thạnh Trị thì nhận được hung tin cha mất tại quê nhà. Nhưng vì nhiệm vụ, Trung úy Thông không thể về chịu tang cha.
Hình ảnh người chiến sỹ chịu tang cha bên bàn thờ lập vội ở chốt trực đã chạm đến trái tim của bất kỳ ai. Và tôi tin rằng, cha anh- cũng từng là một chiến sỹ biên phòng đã rất tự hào về con của mình, ông sẽ tha thứ khi anh không kịp về đưa tiễn ông lần cuối.
Trong cuộc đời mỗi con người, không có sự mất mát nào lớn hơn mất cha, mất mẹ. Vậy mà, lần cuối tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng, người lính biên phòng lại không có mặt. Sự hy sinh của người lính ấy to lớn đến nhường nào.
Có sự hy sinh ấy vì người lính đã đặt lên trên hết tình yêu Tổ quốc, trọng trách lớn lao được nhân dân giao phó. Bởi anh hiểu, nhiều đồng đội, chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận “chống giặc” Covid-19 cũng như tất cả mọi người, đều đang hy sinh theo những cách khác nhau, tất cả vì mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh. Và, trong cuộc chiến này, không ai được phép chùn bước khiến cho sự cố gắng của tất cả trở nên vô nghĩa.
Và không khó tìm khi ở bất kỳ đâu cũng có những hành động, hình ảnh thực sự cảm động, chung sức chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Đó là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng hải quan, bộ đội… ở các khu cách ly làm việc hơn cả sức lực của mình, cả ngày tất bật phục vụ, chăm sóc hàng chục ngàn người ở các khu cách ly. Trong suốt mấy tháng trời ròng rã, mỗi ngày họ chỉ được ngủ vài ba tiếng đồng hồ.
Miếng cơm ăn vội ở góc đường, chân cầu thang hay những đêm sương lạnh, đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ... rải bìa cát tông ra ngoài trời tranh thủ chợp mắt để nhường chỗ cho người về cách ly. Vất vả nhưng không ai than vãn, mà vẫn giữ được sự chu đáo, tận tâm đến nỗi nhiều người cách ly khi chia tay đã thốt lên “sự tận tâm, chu đáo của các anh chị đã giữ lại sự bình yên trong tâm hồn cho chúng tôi, khi mà sự sợ hãi dịch bệnh luôn thường trực”.
Đó là hình ảnh những bà cụ ở tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ chân chậm nhưng vẫn tranh thủ từng giờ để may khẩu trang tặng người nghèo. Hay những em học sinh tuổi còn bé nhưng đã ý thức được việc chung tay chia sẻ với cộng đồng, đóng góp toàn bộ số tiền tiết kiệm trong lợn đất để mua khẩu trang, nước sát khuẩn phát tặng miễn phí…
Đó là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ áo trắng khi mà họ đã phải xa gia đình, người thân từ nhiều tháng nay để cứu chữa cho người mắc Covid-19. Họ hạnh phúc khi bệnh viện bị cách ly, họ được ở trong viện cùng đồng nghiệp, cùng san sẻ những khó khăn, vất vả, thậm chí là cả sự hy sinh tính mạng khi mà dịch ngày càng diễn biến phức tạp, đã có nhiều bác sỹ ở các nước có nền y học tiên tiến, hiện đại ngã xuống.
Đó là trách nhiệm công dân, tình yêu đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước. Không ít Kiều bào ta đang sống ở các nước diễn biến dịch phức tạp như Hàn Quốc, Italy, Mỹ… nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc, lo chung với nỗi lo của đất nước, đóng góp ủng hộ đồng bào trong nước lúc khó khăn chống dịch.
Đó là sự nỗ lực của hầu hết người dân trong nước, cùng chung tay với Chính phủ trong việc dập dịch. Từ trẻ nhỏ đến người già, nỗ lực từ việc chấp hành các khuyến cáo, quy định phòng chống dịch và chung tay chia sẻ với cộng đồng. Và nhiều người cũng đã rơi nước mắt khi nhìn hình ảnh người đàn ông ở khu cách ly tự ý thức được sự lây lan khủng khiếp của dịch, đã ở lại khu cách ly để chịu tang cha…
Đó là quyết tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và người đứng đầu Chính phủ nhiều lần khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi sức khoẻ và tính mạng của người dân là trên hết, thậm chí chấp nhận thiệt hại về kinh tế. Và điều đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, được người dân cả nước tin tưởng, ủng hộ.
Tất cả sự hy sinh đó thật sự to lớn, là động lực để mọi người cùng cố gắng trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Và sự hy sinh đó chỉ thực sự có ý nghĩa, khi mỗi chúng ta là một chiến sỹ trên mặt trận “chống giặc” Covid-19.
Và việc làm thiết thực nhất trong lúc này mà ai cũng đều làm được là hiểu đúng, thực hiện tốt những quy định trong Chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Và chỉ như vậy, sự hy sinh to lớn và thầm lặng của rất nhiều người, của các chiến sỹ tuyến đầu mới không trở nên vô nghĩa.
VOV.VN