Đừng để quá muộn mằn
VHO- Trong số báo này, Văn Hóa cùng lúc nêu lên hai câu chuyện nhưng lại có chung một vấn đề: Bảo tồn gắn liền với phát huy, phát triển di sản văn hóa. Một bên là những đình làng Việt ở Hà Nội có niên đại trải qua hàng thế kỷ đang xuống cấp đến mức... không thể xuống cấp hơn được nữa; và một bên là công trình Trại tạm giam Chí Hoà mang trên mình những giá trị lịch sử, giờ đã hết công năng sử dụng thì cần phải ứng xử như thế nào để thế hệ hôm nay, mai sau xem đó là một trong những bằng chứng tội ác không thể chối cãi của thực dân và đế quốc.
Trại tạm giam Chí Hoà nhìn từ trên cao
Tưởng chừng như hai câu chuyện ấy không hề liên quan đến nhau, lại xa cách nhau về niên đại cũng như mục đích sử dụng, nhưng dưới góc độ của những chuyên gia, nhà quản lý về bảo tồn di sản văn hóa thì nó đang đặt ra những vấn đề trong đời sống đương đại hôm nay: Ứng xử với những công trình, di sản kiến trúc ra sao để chúng ta vừa xem đó là tiềm năng góp phần cho phát triển kinh tế, xã hội, vừa là môi trường nuôi dưỡng, ươm mầm, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Những ngôi đình nổi tiếng của xứ Đoài đang xuống cấp trầm trọng. Người dân nơi đó ra sức bảo vệ, chống đỡ với cách… “lực bất tòng tâm”. Chính quyền, phòng ban chức năng cũng đau đáu và lo sợ di tích có thể sụp xuống bất cứ lúc nào, nhưng lại vấp phải vấn đề muôn thuở: “Tiền đâu?”. Người dân và chính quyền nơi đang lưu giữ những “báu vật” của tiền nhân ấy giờ cũng chỉ biết mong ngóng cấp có thẩm quyền “nhìn xuống”, rót kinh phí đủ để ngăn chặn sự xuống cấp, để hàng loạt những mái đình đã đi vào tâm thức của bao thế hệ được phát huy giá trị. Còn nếu chần chừ, còn nếu xem xét theo “quy trình” hàng năm rồi mới cấp kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo thì không biết những mái đình đó liệu có chống chịu được nữa không.
Cách đây hơn hai mươi năm người ta cũng đã tính đến phương án di dời Trại tạm giam Chí Hoà về vùng ven của TP.HCM để công trình nằm ngay ở trung tâm quận 10 ấy có thể làm nên được điều gì đó cho cộng đồng, ít nhất là công viên, cây xanh. Giờ, chủ trương ấy đã được chấp nhận. Một câu hỏi lại ngay lập tức được đặt ra, vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào với công trình mang trên mình nó những giá trị lịch sử? Nhiều người quan tâm lo ngại nó bị đập đi. Cũng đã có ý kiến đề xuất giữ lại một phần để làm bảo tàng. Thêm lần nữa câu chuyện bảo tồn hay phá bỏ được mang ra bàn thảo. Một chuyên gia về bảo tồn di sản đặt câu hỏi, nhà tù Hỏa Lò được giữ lại một phần ngay giữa Thủ đô, nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc... được bảo vệ, công nhận di tích quốc gia, đến di tích quốc gia đặc biệt. Vì sao Trại tạm giam Chí Hòa lại không, trong khi đó nó đủ tiêu chí, điều kiện để được xếp hạng?
Kỳ vọng hai câu chuyện, hai vấn đề nêu trên chắc sẽ không bị “chìm” giữa vô vàn những vấn đề, và cũng hy vọng nó sẽ được lãnh đạo của hai thành phố quan tâm, xem xét và đưa ra những quyết sách phù hợp, nhạy bén nhằm cứu vãn khi tất cả chưa là quá muộn.
LÂM SƠN