Du lịch Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục
VHO- Du lịch Việt Nam tiếp tục tạo ra kỷ lục mới khi đón 16,3 triệu lượt khách quốc tế trong 11 tháng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiếm có lĩnh vực nào liên tiếp xô đổ kỷ lục như ngành Du lịch: Tháng sau xô đổ kỷ lục tháng trước, của cùng kỳ năm trước; năm sau xô đổ kỷ lục năm trước. Với đà này, mục tiêu trong năm 2019 sẽ đón từ 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỉ đồng của ngành Du lịch hoàn toàn có tính khả thi.
Cùng với những con số phát triển ấn tượng trong năm 2019 là những giải thưởng danh giá ở khu vực và trên thế giới. Tiếp nối các giải thưởng ở khu vực châu Á và châu Đại Dương đã diễn ra vào tháng 10.2019 tại Phú Quốc (Kiên Giang), Việt Nam vinh dự được gọi tên chiến thắng ở hạng mục Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA) diễn ra ngày 28.11 vừa qua tại Muscat, Oman.
Rõ ràng 2019 là một năm gặt hái các giải thưởng đẳng cấp quốc tế của ngành Du lịch. Không chỉ được ghi nhận ở khu vực châu Á với bốn điểm đến hàng đầu: Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến golf tốt nhất châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Việt Nam còn được ghi dấu đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới với hai giải thưởng danh giá: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 và Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019.
Lần đầu tiên Việt Nam được nhận giải thưởng Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, đặc biệt với giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 đã mở ra cơ hội phát triển cho ngành Du lịch Việt Nam. Một đất nước có ngàn năm văn hiến, có hàng chục di sản văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh, di sản văn hóa được xem là thế mạnh đặc thù của du lịch Việt Nam. Du lịch đang được hưởng “Quả trứng vàng” từ di sản văn hóa. Ngược lại, một phần doanh thu từ du lịch được quay trở lại tái đầu tư vào việc bảo tồn, tôn tạo, tôn vinh, phục dựng và quản lý di sản. Mối quan hệcộng sinh đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xãhội của đất nước.
Là hồn cốt, bản sắc của dân tộc, di sản văn hóa là sản phẩm du lịch nằm ở đẳng cấp khác, khác với tất cả các sản phẩm du lịch còn lại. Thế nhưng để khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai là bài toán không hề đơn giản. Trên thực tế không ít di tích quốc gia, di sản thế giới của chúng ta đã bị tổn thương, trả giá. Bởi vậy, danh hiệu Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 không chỉ khuyến khích phát triển mà còn nhắc nhở chúng ta bảo tồn, phát triển hài hòa và bền vững, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.
PHAN THANH NAM