Để khách đến Việt Nam là thật chứ không chỉ tìm kiếm…
VHO- Một tin vui với du lịch Việt Nam khi dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75%, mức tăng cao thứ 4 toàn cầu. Đáng chú ý, kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn vào 15.3, chỉ số này đã liên tục duy trì tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, cho thấy tốc độ phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch.
Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến điểm đến Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, tiềm năng
Mỹ hiện đang là thị trường dẫn đầu về tìm kiếm điểm đến Việt Nam, tiếp theo là Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada, Anh... Các điểm đến được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là những điểm đến tiêu biểu và có năng lực đón tiếp khách tốt như: TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Quy Nhơn.
Lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam từ tháng 3.2022 cũng không ngừng tăng lên. Tính từ đầu tháng 4 đạt mức tăng 663%, tới giữa tháng tăng tới 720% so với cùng kỳ năm ngoái, và cuối tháng 4.2022 đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021. Song song đó, lượng tìm kiếm cơ sở lưu trú tại Việt Nam cũng không hề kém cạnh, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5.2022 đã tăng hơn 4 lần. Cụ thể, thời điểm ngày 1.4, lượng tìm kiếm tăng 103% so với cùng kỳ năm 2021, đến giữa tháng 5 đạt mức tăng 450% và đang tiếp tục đi lên.
Có thể nói, trong một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 2 tháng rưỡi kể từ khi chính thức mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: Khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch, không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; từ ngày 27.4 dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh; từ ngày 15.5, du khách tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh… Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang xem xét bỏ yêu cầu về bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm 10.000 USD, đồng thời dừng Phương án số 829/PA-BVHTTDL mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới…
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam cũng được đẩy mạnh, nhất là trên các nền tảng số. Đặc biệt, dịp SEA Games 31 vừa qua, ngành Du lịch đã chủ động tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao Đông Nam Á và du khách quốc tế. Những nỗ lực phục hồi của ngành Du lịch đã thu được kết quả rõ rệt, đồng thời minh chứng cho sự nhạy bén của Việt Nam khi đã nhanh chóng lên kế hoạch mở cửa sớm.
Thế nhưng, làm thế nào để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng này và để du khách quyết định đến Việt Nam thật chứ không phải chỉ là tìm kiếm thông tin? Ông Dieter Schenk, chuyên gia du lịch của tập đoàn TUI Blue (Đức) nhận xét: “Tất cả mọi người đều mong sự hồi phục sẽ nhanh hơn. Sau một thời gian dài dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại gặp khó khăn, du khách trên thế giới hiện nay đang khao khát đi du lịch hơn bao giờ hết. Việc đi du lịch ở Việt Nam hiện nay khá dễ dàng bởi Việt Nam có lợi thế là mở cửa sớm hơn nhiều quốc gia khác và đã gỡ bỏ rất nhiều quy định phòng dịch không còn phù hợp”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nói trên và nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chính sách visa, như tăng số ngày miễn visa cho khách du lịch và mở rộng thêm các nước được miễn visa. Đây chắc chắn sẽ là một giải pháp hữu ích để thu hút khách đến và ở lại Việt Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc đổi mới các phương thức quảng bá, xúc tiến, Việt Nam cần đầu tư bài bản hơn cho công tác này; cần tổ chức, tham gia thường xuyên các roadshow để xúc tiến điểm đến ở các quốc gia mục tiêu thì mới có thể vực dậy mạnh mẽ thị trường quốc tế.
NGUYỄN ANH