Có nên xử kín vụ bé gái tử vong do bị bạo hành?
VHO- Ở góc độ bài viết này, tôi chỉ nêu ý kiến về việc vụ án này sẽ được xét xử kín. Có thể khẳng định rằng, nguyên tắc ưu tiên của pháp luật trong xét xử các vụ án là công khai để mọi người đều có quyền tham dự và theo dõi phiên tòa. Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như: Giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự… thì có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai (Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trở lại vụ án thương tâm trên, Tòa án dự kiến áp dụng nguyên tắc xử kín, vì người bị hại là bé V.A dưới 18 tuổi theo quy định hiện hành. Cụ thể: Tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21.9.2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại “là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”; hay quy định: “Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi, Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Như vậy, việc xử kín ở vụ án này là đúng với quy định pháp luật, tuy nhiên lại không cần thiết và chưa hợp lý bởi các lý do sau:
Thứ nhất, việc xử kín là để bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến cuộc sống cho người bị hại, cụ thể ở đây là bảo vệ cháu V.A, nhưng vì cháu đã tử vong nên xử kín là không cần thiết.
Thứ hai, đây là vụ án gây chấn động dư luận, được người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Không chỉ vì những tình tiết, hành vi phạm tội mà còn vì tính chất man rợ, tàn bạo của kẻ trực tiếp gây ra tội ác và kẻ đồng phạm là bố đẻ của cháu bé. Do đó, việc xét xử công khai là rất quan trọng, nhằm răn đe, phòng ngừa chung đối với các trường hợp tương tự về sau, cũng như tác dụng trong phòng ngừa tội phạm nói chung.
Thứ ba, các văn bản pháp luật hiện hành đang theo xu hướng những trường hợp được xét xử kín thường là những vụ án xâm hại tình dục và nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên… Tuy nhiên, vụ việc này là bạo hành trẻ em nên việc công khai thông tin là có thể chấp nhận được và không ảnh hưởng nhiều đến danh dự, nhân phẩm nạn nhân.
Vì vậy, có thể nói việc dự kiến xét xử kín vụ án cháu V.A là không cần thiết xét về cả quy định pháp luật, thực tiễn cuộc sống cũng như tác động tiêu cực đối với người bị hại.
THS PHẠM VĂN CHUNG