Chấn hưng văn hóa từ cái tưởng là nhỏ trong đời sống thường nhật
Một sáng Chủ nhật, anh bạn từ huyện ngoại thành của Hà Nội ra thăm tôi. Chuyện trò râm ran về nhân tình thế thái hồi lâu, bỗng giọng anh chùng xuống: Có một điều mình cứ ngẫm ngợi mãi, nay đành “giãi bày” với cậu - đó là chuyện quà mừng đám cưới hiện nay.
Mình không biết ở các vùng nông thôn khác thế nào, chứ ở làng, xã mình như đã thành nếp trong nhiều năm qua - dù đi dự hay không dự, đều phải gửi quà mừng ở mức thấp nhất là 500 ngàn đồng! Với hoàn cảnh nhà mình, lương hưu là 9 triệu rưỡi, vợ mình làm nông nghiệp nuôi 3 con đi học, do vậy chi tiêu rất ngọ ngằn, thậm chí có những lúc rất “bí”. Để cải thiện cuộc sống, bà xã đã phải quần quật làm thêm nghề nấu cháo, luộc ngô, khoai, sắn để bán, sáng dậy từ 3h, bán đến gần 11h, trừ các khoản chi phí, còn có chút lờ lãi khoảng trên dưới 200 ngàn! Tháng 3 này, mình phải đi dự 6 đám cưới (chưa kể các đám hiếu), do vậy quá mệt mỏi! Mình thương các gia đình chuyên làm nghề nông, chắc họ vất vả gấp bội hoàn cảnh mình, vì chỉ trông chờ vào hạt thóc!
Nét mặt anh trầm tư khiến tôi nghĩ lại thời anh Phạm Quang Nghị làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thường vụ có chủ trương mỗi đám cưới mời khách dự không được quá 30 mâm. Ở thời điểm đó, cán bộ, nhân dân rất hoan nghênh, nhưng tiếc thay, chủ trương ấy chỉ diễn ra được dăm tháng, sau đó lại “đâu vào đó”. Không ít đám cưới có số người được mời trên dưới 100 mâm khách. Chuyện đau đầu của anh bạn tôi về việc này những năm qua phản ánh sự thật nói trên. Cần nói thêm, nhiều gia đình tổ chức cưới cho con, việc ăn uống kéo dài tới vài ba ngày khiến cả chủ và khách đều hứng chịu “nỗi buồn không của riêng ai”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của cả hai phía, gây hệ lụy xấu về nếp sống văn hóa. Tôi nhớ lại, năm 1947, trong lúc toàn dân, toàn quân ta dồn sức tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ vẫn dành thời gian viết tác phẩm ĐỜI SỐNG MỚI, trong đó Bác viết: “Cái gì cũ mà xấu thì ta phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đám cúng, đám hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi”… “Sửa đổi được điều đó, thì mọi người đều được hạnh phúc” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, trang 94-95).
Trở lại câu chuyện quà mừng cưới nêu trên, tôi tự hỏi: Chẳng lẽ nhiều người đều thấy phiền hà, tỏ thái độ suy tư, vậy cấp ủy và chính quyền nơi đó nghĩ sao? Tôi có dịp đi về nhiều vùng nông thôn ở các tỉnh khác cũng gặp cảnh ngộ tương tự như vậy, điều đó thể hiện những việc bất hợp lý nêu trên mang tính phổ biến, chứ không còn là hiện tượng riêng lẻ. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Bài phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh nhiệm vụ phải khẩn trương chấn hưng và phát triển văn hóa, trong đó hướng vào trọng tâm là xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thiết nghĩ, để thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo đó, ngành Văn hóa cùng các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị cần cộng tác xây dựng, cải tiến các thiết chế văn hóa, trong đó có việc hiếu, hỉ đã và đang diễn ra hằng ngày, sao cho lành mạnh và phù hợp thực tiễn đời sống nhân dân hiện nay. Rất cần quan tâm đến một thực tế mà nhiều người cùng chung tâm trạng là, khi nhận được thiệp cưới, điều mừng đi liền sự suy tư, diễn ra ở cả thành thị và nông thôn, ở từng gia đình và toàn xã hội, do đó, chúng ta không thể bỏ qua, nhất là khi một số người có trách nhiệm cho là “việc nhỏ”!
PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH