Cẩn trọng với phát ngôn trên mạng xã hội

VHO- Ngạn ngữ Ả Rập có câu: "Bốn điều không bao giờ quay lại, đó là lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống và cơ hội đã bỏ qua". Các nhà tâm lý học thì thấy mối quan hệ nhân quả của cuộc sống mỗi người, trong đó lời nói là một khâu quan trọng: Hãy cẩn trọng với suy nghĩ của bạn vì suy nghĩ sẽ sinh ra lời nói; Hãy cẩn trọng với lời nói vì lời nói sẽ sinh ra hành vi; Hãy cẩn trọng với hành vi vì hành vi sẽ sinh ra thói quen; Hãy cẩn trọng với thói quen vì thói quen sẽ tạo ra tính cách; Hãy cẩn trọng với tính cách vì tính cách sẽ tạo nên số phận.

 Như thế, từ trước tới nay, dù ở bất cứ thể chế xã hội nào, câu chuyện sử dụng lời nói đều rất quan trọng. Cha ông ta cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua; Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Họa từ miệng mà ra; Bệnh từ miệng mà vào”…, tất cả đều nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của lời nói. Không chỉ vì hậu quả của lời nói dễ gây ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhiều người lấy “im lặng là vàng”, mà quan trọng nhất, lời nói thể hiện tính cách cũng như trình độ học vấn, kỹ năng sống, sở thích và sự giáo dục của gia đình… Hay nói một cách khái quát, nó định dạng “phông nền” văn hóa một cá nhân. Nếu hiểu theo Pierre Boudieu, nhà xã hội học người Pháp, thì lời nói là một biểu hiện cụ thể nhất của văn hóa cá nhân. Qua lời nói, cá nhân bộc lộ một cách trung thực về trình độ, kiến thức, hiểu biết, cá tính, sở thích, xu hướng xã hội và rất nhiều thông tin khác về bản thân họ. Chính vì thế, cẩn trọng, lựa chọn lời ăn, tiếng nói cũng là cách chúng ta rèn luyện đạo đức và tự hoàn thiện bản thân mình.

Bối cảnh xã hội đương đại rất phức tạp khiến con người có nhiều cách thể hiện ở những không gian và môi trường khác nhau. Chúng ta đã từng thấy một ai đó nổi danh là “anh hùng bàn phím” trên cõi mạng, nhưng lại rất rụt rè, nhút nhát ở cuộc sống thật. Môi trường ảo khiến nhiều người thể hiện cái tôi-cá nhân nhiều hơn mà ít chú ý đến cái tôi-xã hội. Khi cái tôi-cá nhân lấn át cái tôi-xã hội, người ta sẽ ít chú ý đến áp lực của dư luận khi thể hiện quan điểm, và từ đó thiếu sự kiềm chế, đặc biệt trong việc sử dụng ngôn từ. Họ cho rằng, phát ngôn trên mạng không gây hại cho ai vì chẳng ai biết mình là ai (?); hoặc mạng là nơi để xả ra những căng thẳng, mệt mỏi, ức chế như một hình thức tâm sự giấu mặt… Có rất nhiều lý do để hình thành nên những phát ngôn bất cẩn, trong một bối cảnh nào đó có thể được gợi lại, khiến ai đó phải ân hận vì những lời mình đã từng nói ra.

Phát ngôn bất cẩn trên mạng xã hội đặc biệt nghiêm trọng đối với những người của công chúng, bởi họ luôn bị soi xét từng cử chỉ, hành vi cho đến lời ăn tiếng nói. Những thông tin đó thường được lan truyền nhanh và dễ trở thành chủ đề gây tranh cãi, đôi khi biến cuộc sống của một người nổi tiếng trở nên vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào bi kịch.

Môi trường mạng xã hội giờ đây không còn là ẩn danh và ảo nữa, vì vậy, chúng ta có thể trở thành nô lệ của những lời đã nói. Cần phải luôn luôn tuân thủ nguyên tắc căn bản nhất của lời nói: CẨN TRỌNG. Cách chúng ta cẩn trọng trong lời nói cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình. Đó là một trong những bài học lớn của cuộc sống! 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc