Cần ngăn chặn kịp thời thiệt hại do cây xanh gãy đổ gây ra

VHO- Gần đây tình trạng cây xanh trong đô thị thường xuyên gãy, đổ gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Khi vụ việc đáng tiếc xảy ra thì việc xác định trách nhiệm rất khó khăn; nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thường né tránh, đổ lỗi cho nhau, nhất là đổ lỗi do “sự kiện bất khả kháng” nên một số trường hợp không thực hiện việc bồi thường, chỉ động viên, thăm hỏi qua loa đối với người thương vong khiến dư luận chưa đồng tình.

 Bên cạnh những ưu điểm tích cực thì việc quản lý cây xanh hiện nay phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số cây xanh có tuổi đời khá cao, có dấu hiệu mục rỗng, khô,… cần phải có phương án xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn cho người dân. Các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh chưa đánh giá toàn diện, đầy đủ, chính xác về độ an toàn của cây xanh trong đô thị để có phương án xử lý kịp thời. Một số cây cổ thụ thường trốc gốc, gãy đổ khi bước vào mùa mưa bão là do những nguyên nhân khác nhau như không kịp thời cắt nhánh, tỉa cành, bộ rễthường xuyên bị xâm hại do những công trình mọc lên hoặc đi qua. Mặt khác, với những cây cổ thụ cao lớn thường xâm hại đến nhiều công trình giao thông công cộng và nhà dân nhưng chưa có phương án xử lý, thay thế để đảm bảo an toàn.
Khi cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh tiến hành xử lý những cây xanh có nguy cơ gãy đổ để ngăn chặn những hậu quả có thể xảy ra thì vấp phải sự phản ứng của dư luận, cho rằng, việc chặt hạ cây như vậy là chưa cần thiết, không thỏa đáng, việc xử lý khối lượng gỗ thu được không minh bạch,… Do đó, các cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh phải chịu nhiều áp lực trong việc triển khai các phương án xử lý những cây xanh có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn cho người dân.
Việc xử lý những cây xanh có dấu hiệu không an toàn trong đô thị là hết sức cần thiết để bảo vệ người dân. Khi lập phương án xử lý phải công khai, minh bạch trên cơ sở đánh giá về sự cần thiết và tính khoa học về mức độ an toàn. Phương án xử lý phải đề xuất bán đấu giá công khai số gỗ thu được để sung công quỹ nhà nước và phương án trồng lại cây xanh để thay thế; đồng thời phải công khai, minh bạch các chi phí có liên quan trong quá trình xử lý cây xanh. 
Ngoài ra, việc giao cho cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh phải xác định rõ trách nhiệm bồi thường khi thiệt hại do cây xanh gãy đổ xảy ra. Khi xảy ra thiệt hại thì không nên đổ lỗi do “điều kiện bất khả kháng”, bởi nếu cơ quan, đơn vị quản lý cây xanh đánh giá đúng tình hình và có phương án đốn hạ kịp thời thì sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do cây xanh gãy đổ gây ra. 

ĐỖ VĂN NHÂN 

Ý kiến bạn đọc