Cần một “bộ quy tắc ứng xử” với địa danh

MINH TUỆ

VHO - Vừa qua tỉnh Nghệ An rộ lên chuyện nhập hai xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu, sau đó phải tạm dừng vì chưa thống nhất được việc định danh cho xã mới. Bẵng đi ít lâu, cũng tại Nghệ An, việc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, và địa danh du lịch với sức sống hơn một thế kỷ bỗng biến mất khiến nhiều người nuối tiếc bởi không dễ gì có được một thương hiệu nổi tiếng như thế.

 
 Cần một “bộ quy tắc ứng xử” với địa danh  - ảnh 1

Cổng làng ở xã Quỳnh Đôi

Rồi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sau khi sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ, huyện mới sẽ có tên Long Đất. Đấy có phải sự lựa chọn tối ưu? Có lẽ không riêng ở Nghệ An hay Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương nào cũng có thể vấp phải vấn đề nan giải với việc định danh khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Mỗi người nói một cách, “chín người mười ý” trong xã hội là lẽ thường tình. Nhưng một khi muốn đạt sự đồng thuận rộng rãi, thiển nghĩ ta nên có “bộ quy tắc ứng xử” với địa danh với những định hướng rõ ràng, khoa học, tìm kiếm lý luận để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Thứ nhất là vấn đề bảo tồn địa danh: Địa danh nói chung là cái cần bảo tồn và lưu truyền, nhưng địa danh cũng không tuyệt đối phải “nhất thành bất biến”. Bởi vậy các địa phương cần thống kê các địa danh hiện có, phân lớp chúng, trong đó có thể có những địa danh tuyệt đối không thay đổi, có địa danh không nên thay đổi và có địa danh có thể thay đổi. Lớp địa danh tuyệt đối không thay đổi như trường hợp tên quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và nhiều địa danh khác trong cả nước. Chúng gắn thiết thân với văn hóa địa phương và dân tộc tự bao đời. Lớp địa danh có thể thay đổi là các địa danh gắn với lịch sử, văn hóa ở thời kỳ không dài, và cũng không gắn với những gì đặc biệt. Còn địa danh có thể thay đổi thường là các địa danh chỉ mới được định ra trong mấy chục năm trở lại.

Thứ hai là vấn đề nhất quán về danh pháp: Chẳng hạn huyện Tuy Phước (Bình Định) đã xác định theo “chùm địa danh” trong đó tất cả các xã đều phải có chữ Phước ở đầu (như Phước Nghĩa, Phước Thắng) từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thì nay cũng phải tuân theo pháp danh ấy khi tách hay nhập xã. Lại cũng phải xem trong trường hợp cụ thể nào đó, phải nhất quán cấu trúc Hán Việt hay thuần Việt. Chẳng hạn tên hai huyện Long Điền và Đất Đỏ hợp lại thành tên Long Đất. Chữ Long gốc từ Hán Việt thường mang nghĩa là con rồng, hoặc là thịnh vượng, khi kết hợp với chữ Đất là từ thuần Việt, theo kiểu “râu ông cắm cằm bà”, khiến liên tưởng chữ Long có nghĩa là lung lay (như lở mồm long móng, long răng, “long trời lở đất”), thành ra Long Đất nghĩa là đất lở?

Thứ ba là vấn đề mỹ cảm: Các cụ Nho xưa khi định danh các vùng đất luôn kỹ lưỡng chọn các “mỹ tự” (từ đẹp) cho nó, như tú, hoa, xuân, phúc, đức… Nhưng rồi quá trình diễn biến địa danh, các nguyên lý mỹ cảm có thể vô tình phạm phải. Chẳng hạn ở Quảng Ngãi, khi hoạch định xã mới sau năm 1945 ở huyện Tư Nghĩa lấy chữ Nghĩa làm đầu, có xã vốn là làng Điền Trang xưa, bèn đặt tên xã là Nghĩa Trang. Có vẻ là phép “nối điêu” (chữ Trang từ tên làng Điền Trang) khá hay, nhưng kết quả lại khiến người ta nhớ đến chuyện chết chóc (sau năm 1975, xã này bèn định danh lại là Nghĩa Trung).

Thứ tư là vấn đề thoát ly quán tính hai âm tiết: Hầu hết trong kho tàng địa danh Việt Nam là địa danh hai âm tiết (như Quảng Bình, Tuyên Quang), khiến đôi khi người ta bị quán tính cho rằng đã là địa danh thì phải hai âm tiết. Thực tế không phải vậy. Từ rất xưa đã có những địa danh “tiết kiệm” chỉ một âm tiết: Huế, Vinh, Ròn, Truồi, lại có những địa danh 3 âm tiết: Đồng Nai Thượng, U Minh Hạ; và bốn âm tiết như xã Lệ Thủy Đông Nhị (ở vùng Dung Quất), kể cả địa danh mới xác lập sau năm 1975: Gia Lai - Kon Tum, Phan Rang - Tháp Chàm, Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu tự bó buộc trong quán tính “hai âm tiết”, ta càng khó khi lựa chọn. Chẳng hạn Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu phải “nén” thành địa danh hai âm tiết (như Đôi Hậu) trong khi có thể để nguyên như vậy, nếu nhất thiết phải bảo tồn tên hai xã?

Thứ năm là vấn đề linh hoạt sáng tạo: Định danh mới cũng không nên máy móc. Chẳng hạn địa danh Thừa Thiên Huế. Huế là thành phố thuộc tỉnh vốn mang tên Thừa Thiên, địa danh ra đời từ thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Nếu như thông thường thì chỉ định danh tên tỉnh Thừa Thiên là đủ. Nhưng vì sao ở đây “chìa” thêm chữ Huế? Vì Huế có di sản văn hóa nổi bật.