Cần kịp thời hơn nữa
VHO- Là phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, cá nhân người viết khá hoang mang, lo lắng khi báo chí đưa tin bước đầu về việc có hai cháu học sinh (một ở Bắc Giang, một ở Hà Nội) tử vong có liên quan đến đợt tiêm này. Dù có bình tĩnh đến mấy thì không ai là không băn khoăn: Liệu con em mình có được an toàn sau tiêm? Ngay sau sự cố, các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách tích cực để kiểm tra quy trình tiêm chủng và bước đầu có phản hồi. Chính sự nhanh chóng cung cấp thông tin với báo chí đã phần nào giải toả được tâm lý bất an của những bậc làm cha làm mẹ.
Đơn cử, vào sáng qua 30.11, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã trả lời về trường hợp tai biến sau tiêm chủng của một học sinh lớp 9 ở huyện Thường Tín. Bà Hà khẳng định, ca tử vong này không liên quan đến quy trình tiêm chủng, bởi “trong quá trình tổ chức tiêm vắc xin, toàn bộ quy trình được giám sát chặt chẽ, khâu tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định và hướng dẫn, cán bộ tiêm đã được tập huấn”. Ngay trong ngày hôm qua, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo nhanh của các tỉnh, tại đợt tiêm chủng cho trẻ em ở độ tuổi 12-17, có 3 trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm được ghi nhận tại Hà Nội và Bắc Giang, trong đó 2 trẻ đã tử vong. Hội đồng chuyên môn cũng đã xác định rõ nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này là phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vắc xin ngừa Covid-19 và thực hành tiêm chủng.
Ngay lập tức, các cơ quan truyền thông cập nhật và truyền đi kết quả xác minh từ các cơ quan chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng, và chắc chắn những gia đình có con em tiêm trong đợt này đều rất quan tâm, đón đọc. Sự phản hồi rất kịp thời đó phần nào đã giải toả sức nặng tâm lý của nhiều bậc phụ huynh, khiến mọi người dành sự tin tưởng nhiều hơn cho chủ trương tiêm chủng mở rộng để học sinh sớm được trở lại trường.
Tuy nhiên, qua sự việc này, cơ quan chuyên môn, nhất là những cơ quan có trách nhiệm cần cung cấp thông tin kịp thời hơn nữa cho báo chí. Vì có thông tin sẽ tránh được dư luận hoang mang, không gây tâm lý tiêu cực trong cộng đồng, xã hội. Ngành Y tế cần chủ động hơn nữa trong việc cập nhật những diễn biến mới kèm theo phân tích, lý giải khoa học để người dân dễ hình dung về mức độ cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh. Đối với những thông tin nhạy cảm như sốc phản vệ với cả người lớn và trẻ em, tai biến nặng sau tiêm chủng... cần chủ động trả lời công khai, minh bạch với truyền thông, báo chí và dư luận xã hội.
NGUYỄN THANH SƯƠNG