Cần hợp tác công tư trong văn hóa - di sản

VHO - Ngày 12.11.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; ngày 21.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; ngày 6.1.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP trong đó có mục tiêu “Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội”… Có thể nói chưa bao giờ Văn hóa lại được Đảng và Nhà nước ta quan tâm như vậy.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong lĩnh vực văn hóa di sản vẫn còn một số bất cập trong cơ chế chính sách, khiến việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị gặp không ít khó khăn, trở ngại, mà điển hình là trong hợp tác công tư. Cho đến nay, câu chuyện hợp tác công tư về văn hóa, di sản vẫn chưa được đề cập trong các bộ luật của Việt Nam.

Sáng qua 16.7, tham gia cùng Đoàn lãnh đạo Quốc hội làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu trao đổi với tỉnh này những ý kiến rất sâu sắc, toàn diện... Bộ trưởng cho rằng, với một tỉnh có thế mạnh đặc thù là văn hóa, di sản như Thừa Thiên Huế thì cần thay đổi cách tiếp cận về phát triển văn hóa, du lịch. Đối với du lịch cần bắt đầu bằng các sản phẩm văn hóa, di sản của cố đô Huế, nhưng phải tạo nên sự đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Nên đầu tư để phát triển du lịch khám chữa bệnh, đặc biệt là khai thác thế mạnh về y học truyền thống, y học cung đình; phát triển du lịch hội nghị hội thảo (mice) và du lịch sinh thái để bổ sung cho du lịch tham quan di sản vốn được khai thác từ lâu. Cần đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển nhằm tranh thủ các thế mạnh của các địa phương khác trong vùng. Với thể thao hay văn hóa đều cần đầu tư mạnh cho hệ thống thiết chế, cả của tỉnh, thành phố và các huyện, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn xin cơ chế để thực hiện thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, vì đây chính là hạn chế, là điểm “nghẽn” trong cơ chế chính sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, Thừa Thiên Huế có thể chọn một số khu di tích để giao cho tư nhân quản lý khai thác dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước... Bộ trưởng cho rằng, cần phải hiểu di sản luôn thuộc về quốc gia, dân tộc nhưng quản lý khai thác phát huy như thế nào cho hiệu quả thì cần có cơ chế linh hoạt và phù hợp, trong đó hợp tác công tư là một hướng đi thích hợp trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa một cách toàn diện để huy động sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, huy động triệt để các nguồn lực xã hội và có khả năng thành công rất cao. Bộ trưởng cũng dẫn chứng những ví dụ cụ thể về sự thành công trong xã hội hóa và hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, di sản của một số địa phương như Đà Nẵng với lễ hội pháo hoa, Ninh Bình với khu danh thắng Tràng An, Tam Cốc, Bích Động...

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ sẵn sàng đồng hành cùng Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng dự án thí điểm để trình Chính phủ, Quốc hội để sớm có thể triển khai. Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế cần mạnh dạn nghiên cứu để đề xuất bổ sung vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa - di sản vào cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế mà Chính phủ đã cho phép áp dụng thí điểm; hoặc góp ý để sửa đổi bổ sung vào Luật Di sản văn hóa hiện đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và các địa phương, bộ ngành để sửa đổi bổ sung.

Như vậy, rất cần một bước đi đột phá trong lĩnh vực văn hóa di sản mà Cố đô Huế chính là địa phương thích hợp nhất để lĩnh ấn tiên phong. 

TS PHAN THANH HẢI

Ý kiến bạn đọc