Bỏ phố về quê, hiện tượng hay xu hướng?

VHO- Những năm gần đây, phương tiện truyền thông đại chúng hay đưa tin về trường hợp có những người đang sống ở đô thị, làm đúng ngành nghề, có thu nhập tốt nhưng lại bỏ phố về quê để sinh sống bằng nghề nông và gọi đó là “xu hướng, trào lưu”. Trong bài viết này, chúng ta hãy tìm hiểu cả hai chiều hướng: Bỏ quê ra phố và bỏ phố về quê trong những hoàn cảnh cụ thể.

Bỏ phố về quê, hiện tượng hay xu hướng? - Anh 1

 Khi nước ta còn ở thời nông nghiệp lạc hậu, đại bộ phận dân cư sống ở nông thôn, thì thành phố là mơ ước của nhiều người - không chỉ vì ở đó có mức sống cao hơn, dễ kiếm tiền hơn mà còn vì đó là nơi con người được tiếp cận gần hơn với văn minh cả vật chất lẫn tinh thần.

Bước vào thời kỳ CNH, HĐH, những thành phố lớn đã tạo ra sức hút rất mạnh về lao động - đồng thời phù hợp với ước mơ “đổi đời” của bà con nông dân, họ không còn muốn “giữ nguyên quê mùa” nên đã hình thành một làn sóng bỏ quê ra phố. Mỗi người có động cơ và cách lựa chọn riêng phù hợp với hoàn cảnh, năng lực và sở trường của mình. Người thì do gia đình thiếu ruộng đất nhưng dư thừa lao động, người thì dù chăm chỉ ruộng vườn, nhưng thiếu kỹ năng nên nghèo vẫn hoàn nghèo, cũng có người theo tâm lý đám đông, thấy người ta ra phố thì mình cũng đi theo… Khi được tuyển dụng, họ sẽ được học nghề, có thu nhập hằng tháng khá ổn định, có thể để dành được một khoản tiền nhỏ mà ở quê không dễ kiếm được, dù phải ở trong những khu nhà trọ thiếu tiện nghi.

Một bộ phận khác mang theo cả gia đình lên thành phố để lao động tự do, buôn bán nhỏ trên vỉa hè hoặc đi giúp việc cho những gia đình khá giả. Họ cũng phải ở nhà trọ, tuy chật hẹp, thiếu tiện nghi nhưng mức sống còn khá hơn ở quê. Vì thế, bỏ quê ra phố hiện vẫn đang là xu hướng chung, vừa đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, vừa cung cấp nhân lực cho các ngành dịch vụ - bộ phận không thể thiếu để phát triển đô thị. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra hệ quả tiêu cực không nhỏ - đó là tình trạng thiếu sức lao động ở một số vùng nông thôn và làm cho đô thị rơi vào tình trạng quá tải; là nguyên nhân dẫn đến các vấn nạn đô thị như: Ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải giáo dục, y tế, nhà ở và gia tăng tệ nạn xã hội... Quá trình dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị theo quy luật cung - cầu vẫn hiện đang diễn ra theo xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa ở cả Việt Nam và thế giới.

Những trường hợp cụ thể bỏ phố về quê mà truyền thông đã nêu như: Kỹ sư cơ khí, công nghệ thông tin, giáo viên, nhà báo… đang làm việc trong các công ty lớn với mức thu nhập cao nhưng lại quyết định về quê làm trang trại và đã thành công - lý do lựa chọn của họ thường là do áp lực của cuộc sống đô thị ngột ngạt và sức hút của môi trường trong lành, mát mẻ ở nông thôn… Nhưng xét cụ thể thì sự lựa chọn đó còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác quan trọng hơn - trước hết là khả năng tài chính khá lớn để gây dựng sự nghiệp gần như từ đầu, kể cả kiến thức nông nghiệp, sở hữu hoặc thuê mướn đất đai… đồng thời phải có đam mê, dám phiêu lưu và dám chấp nhận thất bại.

Nhưng trên thực tế, chắc không nhiều người có đầy đủ các yếu tố đó. Áp lực của cuộc sống đô thị là có thật, nhưng nó không thể lớn hơn nhu cầu mưu sinh của đa số người bỏ quê lên phố. Thế nên, việc bỏ phố về quê chỉ là những hiện tượng cá biệt, chưa trở thành xu hướng. Trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, xuất hiện hình ảnh những dòng người hối hả, vội vã bỏ phố về quê “trốn dịch”, và khi hết dịch, họ lại tiếp tục “ly hương”. Vậy nên, bỏ phố về quê - đến bây giờ - có lẽ chỉ mang yếu tố tích cực là làm giảm khoảng cách chênh lệch về đời sống và văn hóa giữa thành thị và nông thôn. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc