Bàn về “Hệ giá trị Việt Nam”

VHO- Nghiên cứu và xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam”, “Hệ giá trị gia đình Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”, “Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam”… là những vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau và đang trở thành nhu cầu ngày càng cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, và đang là đề tài được thảo luận nhiều trong giới nghiên cứu, khoa học để đề xuất một số bảng giá trị, nhưng cần làm rõ hơn những điểm còn khác nhau.

Có những cách định nghĩa “hệ giá trị” không hoàn toàn giống nhau như một nhà xã hội học người Mỹ cho rằng:

 … Tất cả những gì có ích lợi, đáng ham chuộng, đáng kính phục đối với con người hoặc nhóm người đều là có một giá trị…”. Còn nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam định nghĩa: Cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp… được coi là chân thiện mỹ. Hai định nghĩa trên tuy khác nhau về ngôn ngữ diễn đạt nhưng thống nhất về các yếu tố chính là: Phải có ích lợi, phải có giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ và phải được ngưỡng mộ. Tuy nhiên chưa phân biệt rõ “giá trị” thuộc “văn hóa phi vật thể” hay bao gồm cả “văn hóa vật thể”. Nếu là tất cả thì bảng hệ giá trị của mỗi quốc gia sẽ rất dài. Phải chăng khái niệm “hệ giá trị” chỉ thuộc về các giá trị văn hóa “phi vật thể”, nhưng phải là những gì nổi trội nhất về: Năng lực, về tính nhân văn và được ngưỡng mộ nhất trong cộng đồng, nói cách khác phải là “phẩm giá cao nhất” và tồn tại lâu dài nhất như nền độc lập dân tộc của VN.

Quá trình nghiên cứu hệ giá trị Việt Nam diễn ra với những sự kiện: Nghị quyết TW 5-1998 và NQ 33-TW 2014 đã nêu bảng giá trị gồm 6 điểm (tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, nhân ái, bao dung, nghĩa tình, trọng đạo lý, cần cù, sáng tạo, tinh tế trong ứng xử). Năm 2016, công trình nghiên cứu “Hệ giá trị VN từ truyền thống đến hiện đại” đã nêu 5 “giá trị cốt lõi” (cộng đồng, hài hước, âm tính, cầu toàn, linh hoạt), và 2 “giá trị định hướng” (dân chủ, pháp quyền), cùng với 8 giá trị thuộc con người và cá nhân (yêu nước, nhân văn, trung thực, bản lĩnh, trách nhiệm, hợp tác, khoa học, sáng tạo), đồng thời cũng nêu rất nhiều điểm gọi là “phi giá trị” đó là các “thói hư tật xấu” của người VN nhìn từ bên trong và nhìn từ bên ngoài. Năm 2020, nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN có bài viết nêu bảng giá trị 10 điểm: (yêu nước, nhân ái, anh hùng dũng cảm, chấp nhận tiếp thu, hiếu học, sáng tạo, cần cù, lạc quan, trọng đạo lý, ưa ổn định). Tháng 6.2020 Bộ Chính trị đánh giá kết quả thực hiện xây dựng hệ giá trị VN là còn nhiều hạn chế, chưa đạt một số mục tiêu đặt ra…, ngoài những thành tựu đạt được, nhìn từ góc khác, bức tranh hệ giá trị VN lại có nhiều mảng tối đáng quan ngại…, đạo đức của một bộ phận xuống cấp, giá trị lệch lạc, niềm tin suy giảm… Tháng 11.2022, có một nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị quốc gia có bài tham luận nêu bảng giá trị 6 điểm (yêu nước, tính cộng đồng, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần thân dân, tính hòa hiếu, thượng võ)

Từ các định nghĩa và các bảng giá trị đã nêu, có thể nhận thấy một số vấn đề cần làm rõ hơn: Một là, các bảng giá trị đều nêu giá trị “lòng yêu nước” nhưng lại không đề cập giá trị “ý chí độc lập dân tộc”, trong khi “ý chí độc lập dân tộc” bao hàm cả yêu nước, ý chí và năng lực bảo vệ nền độc lập, đồng thời còn là tình cảm thiêng liêng nhất như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không gì quý hơn độc lập tự do”, giá trị ấy đã trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt và đó chính là “phẩm giá cao nhất” của dân tộc VN. Hai là, nếu đã cho rằng “tính cộng đồng” và “tính trọng âm” tạo thành lòng yêu nước, vì đó là tinh thần tập thể, đoàn kết, dân chủ… có sức tự vệ và sức bật nhưng đồng thời lại coi tính cộng đồng và trọng âm là “nguồn gốc” của hàng chục thói hư tật xấu như: Ỷ lại, hẹp hòi, nhu nhược, yếu đuối… nếu không phân biệt rõ đâu là “bản chất” đâu là “hiện tượng”? Ba là “gần dân” là khái niệm chỉ “thái độ” của giới cầm quyền, không thuộc về giá trị của cộng đồng.

Người nước ngoài có thể nói về những thói hư tật xấu từ biểu hiện của những cá nhân người Việt nhưng từ cảm nhận lịch sử VN, họ thường nói đến: Ý chí độc lập dân tộc, tính bất khuất, kiên cường, tài năng quân sự, sức chịu đựng gian khổ, tính thân thiện và tinh thần lạc quan… Đó là cảm nhận từ bên ngoài nên có tính khách quan rất cần tham khảo để kết hợp với nghiên cứu từ bên trong nhằm xác định chính xác hơn “hệ giá trị Việt Nam truyền thống” làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu xây dựng “hệ giá trị Việt Nam hiện đại” trong mối quan hệ biện chứng với xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. 

 NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc