Bản hùng ca chấm dứt đạn bom
VHO- Chiến tranh đã lùi xa 45 năm. Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng đã sống trong trái tim người dân Việt Nam gần nửa thế kỷ, song nhiều người vẫn chưa biết bài hát được ra đời trong hoàn cảnh nào, vì sao lại có sức sống mãnh liệt và bền bỉ đến thế.
“Khoảng đầu tháng 4.1975, anh Trần Lâm, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bảo tôi: “Sắp thắng to rồi, sắp giải phóng miền Nam rồi, cậu hãy sáng tác một bản hợp xướng thật hoành tráng để mừng ngày chiến thắng”.
Tôi cũng đã phác thảo một bản hợp xướng 4 chương, nhưng vẫn thấy có gì đó chưa ổn. Còn đang băn khoăn do dự thì ngày 28.4.1975, có tin một phi công của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất (sau này tôi mới biết người ném bom là Anh hùng Quân đội Nguyễn Thành Trung). Tôi nghĩ, thế này thì giải phóng miền Nam đến gần lắm rồi, phải viết ngay một bài hát reo vui nức lòng cùng mọi người đổ ra đường trong ngày vui mừng toàn thắng. Nghĩ đến ngày toàn thắng, trong đầu tôi lại nghĩ đến hình ảnh Bác Hồ. Với những cảm xúc đang thăng hoa, từ 21h30 đến 23h đêm 28.4.1975, tôi đã viết xong bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng, không phải sửa một chữ nào”, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại.
Ca khúc lập tức được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam giao cho dàn hợp xướng 40 người thực hiện, nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy, nghệ sĩ Đặng Hùng và Tuyết Thanh lĩnh xướng. Có lẽ sự sung sướng, xúc động quá lớn trước giờ phút chiến thắng mà tất cả mọi người từ nhạc công đến nhạc sĩ vừa đàn, vừa hát, vừa khóc. Cuối giờ chiều ngày 30.4.1975, bài hát được truyền đi trên hệ thống phát thanh, cũng là lúc Việt Nam tuyên bố chính thức giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trước thế giới.
Khi viết bài hát này, nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ mong muốn góp một tiếng reo vui cùng mọi người trong ngày đại thắng. Nhưng đã gần nửa thế kỷ, bài hát vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng công chúng. Trong một lần, đồng nghiệp người Nhật Bản hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Ông sáng tác ca khúc này trong bao lâu?”, nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời: “Chỉ có 2 giờ. Nói đúng hơn là 2 giờ cộng với cả cuộc đời”.
Như có Bác trong ngày vui đại thắng đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, lan tỏa đến nhiều nước như Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc... Ở Nhật Bản, ca khúc này được dịch ra tiếng Nhật và lưu hành phổ biến ở 49 tỉnh, thành. Có nhiều vị khách quốc tế, dù không biết tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ. Mấy chục năm qua, điệp khúc Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh vẫn vang lên tưng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trên từng con phố, khán đài, trong những cuộc giao lưu, những buổi gặp mặt... Ca khúc bất hủ ấy đã nói lên khát vọng hòa bình của một dân tộc sau gần 100 năm sống trong chiến tranh loạn lạc. Đó cũng chính là bản hùng ca chấm dứt đạn bom để cả dân tộc bước sang một trang mới: kiến thiết nước nhà. Không bị bào mòn theo dòng chảy của thời gian, Như có Bác trong ngày vui đại thắng đã thực sự trường tồn với non sông Việt Nam.
TRẦN MẠNH TUẤN