Bàn chuyện “vẽ rồng vẽ rắn”

VHO - Năm Mẹo vẽ mèo, năm Thìn vẽ rồng, cứ hẹn lại lên, năm nào vẽ linh vật năm đó. Tết rồi, tạo hình rồng xuất hiện nhiều nơi trong nước, các tâm điểm sinh hoạt văn hóa ở các địa phương. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mỗi hình tượng rồng như vậy không dấy lên nhiều lời khen chê, lại có cả tâng bốc hay dèm pha.

Khác với con mèo hay linh vật khác, rồng là con vật không có trong hiện thực, vậy sự bình luận sẽ dựa vào đâu?

Sực nhớ chuyện xưa, có người hỏi ông họa sĩ tài danh nọ, rằng trên đời này vẽ gì khó nhất vẽ gì dễ nhất, ông họa sĩ bèn đáp, vẽ trâu vẽ ngựa khó, vẽ ma vẽ quỷ dễ. Người kia ngạc nhiên hỏi tại sao, ông họa sĩ mới cắt nghĩa: Trâu, ngựa ai cũng thấy nên vẽ dễ bị chê, còn ma quỷ không ai thấy đâu, nên vẽ thế nào chẳng được!

Trả lời như ông họa sĩ nọ là một cách hiểu, thiên hạ sẽ đối chiếu với hiện thực để mà chê khen, vẽ ma quỷ thì thiên hạ có muốn chê khen gì cũng không có căn cứ, nói cho đúng là không thể chê hay khen. Hình tượng rồng có lẽ cũng ở trường hợp này, có con rồng thực đâu để đối chiếu mà chê khen? Nhưng cách hiểu như trên chỉ đúng có một nửa. Trong tín ngưỡng, tôn giáo có rất nhiều nhân vật tưởng tượng, nhiều cảnh tưởng tượng không có trong hiện thực, vậy vẽ kiểu gì cũng được hay sao? Hình tượng rồng cũng vậy. Rồng không có trong hiện thực nhưng nó đã hiện diện trong văn hóa, tín ngưỡng hàng trăm, hàng ngàn năm. Nó tượng trưng cho những gì cao quý, cho quyền lực của vua, nó hiện thân cho sự thiêng liêng khi ở các đình miếu, hay tượng trưng cho cái đẹp bay bổng: Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay (Vũ Đình Liên).

Trong nền mỹ thuật truyền thống, rất nhiều trường hợp rồng hiện lên với nhiều vẻ đẹp phong phú. Phong cách tạo hình rồng cũng mang tính lịch sử, như các nhà nghiên cứu đã nhận xét, rồng thời Lý, Trần trông uyển chuyển hiền lành hơn, còn rồng triều Nguyễn góc cạnh hung hãn hơn. Dù gì thì tạo hình hình tượng rồng nhìn chung đã đạt tới sự tuyệt mỹ. Như vậy ở đây có một phần của hiện thực, đó là hiện thực đã có vô số những tác phẩm đẹp về rồng.

Rồng không phải chỉ mới xuất hiện thời đại chúng ta, thế có nên chọn lấy những hình tượng đẹp sẵn có trong di sản rồi tái hiện, cho khỏi tranh cãi? Nếu chỉ “sao chép” hình tượng có sẵn (tất nhiên với vật liệu, quy mô mới) thì dấu ấn mới ở đây là gì? Sao khỏi mang tiếng thiếu sáng tạo, nhàm chán? Nếu “chế” quá nhiều gọi là “cách tân”, thì đâu là giới hạn? Thiển ý của tôi là cần có những nét cách tân sáng tạo, tuy nhiên giới hạn của nó chính là không nên tầm thường hóa hình tượng rồng, lại cũng phải dựa trên nguyên lý về thẩm mỹ, cần tôn trọng tâm tưởng tôn kính đối vói linh vật rồng trong bất cứ sự sáng tạo nào.

Có hình tượng rồng bị chê tơi tả, có hình tượng được khen ngất trời, lại cũng có hiện tượng nay chê mai khen, khiến nhiều người cảm thấy người bình phẩm không phải khen chê thực lòng. Cần tôn trọng ý kiến đóng góp của dư luận, đúng vậy, nhưng không nên quá vội vàng, rơi vào trạng thái “chiêm bao không sợ, sợ thầy bàn”. Nhưng hình tượng rồng đặt ở nơi công cộng khác với hình tượng ấy trong nội thất, chắc phải được chính quyền các địa phương phê duyệt mẫu hình trước khi thực hiện. Vậy hình tượng rồng ai phê duyệt? Người có quyền phê duyệt có đủ cảm thức văn hóa và thẩm mỹ để phê duyệt hay chăng? Nếu nghĩ rằng hình tượng này chỉ mang tính trang trí nhất thời thì thế nào cũng được, song một khi nghĩ rằng nó có tác động (theo hướng tốt hay xấu) đối với đời sống tinh thần của công chúng thì người phê duyệt cần phải cân nhắc kỹ, không nên để người thực hiện “vẽ rồng vẽ rắn” thế nào cũng được.

Thiển nghĩ đó cũng là một bài học chung của dịp Tết vừa qua. 

MINH TUỆ

Ý kiến bạn đọc