Sóc Trăng: Khai mạc Lễ hội Ok Om Bóc - Đua ghe Ngo và Tuần VHTTDL năm 2024
VHO - Tối 13.11 tại Quảng trường Bạch Đằng (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Ok Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần VHTTDL Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự Lễ khai mạc.
Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh ĐBSCL.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Lễ hội Ok Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của tỉnh. Đây là hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm và chờ đón.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi nhấn mạnh: “Tại Lễ hội Ok Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần VHTTDL Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, ngoài yêu cầu tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc để cùng phát triển.
Tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội lần này sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa, thông qua giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, kích cầu du lịch, để mọi người thêm hiểu, thêm yêu vùng đất, con người Sóc Trăng”.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc có chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”. Chương trình gồm 2 chương: Chương I - “Hội tụ bản sắc” và chương II - “Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam”.
Chương trình có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật quần chúng, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng.
Tại Lễ khai mạc, đại diện tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Lễ hội Ok Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần VHTTDL Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 là hoạt động nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là các hoạt động văn hóa lễ hội.
Đồng thời đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp khu vực, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung Lễ hội phản ánh sự đa dạng, nét độc đáo về văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng và của vùng ĐBSCL.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”, Lễ hội sẽ được tổ chức quy mô cấp khu vực trong thời gian 7 ngày (từ ngày 9 đến 15.11), tại các địa điểm: Quảng trường Bạch Đằng; Công viên 30/4, Khán đài đua ghe Ngo sông Maspéro, Khu Đô thị 5A, Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, chùa Khleang,... Trong đó, điểm nhấn chính là lễ khai mạc vào tối 13.11 và giải Đua ghe Ngo vào ngày 14 và 15.11.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ cúng Trăng; Hội thi Lôiprotip (thả đèn nước); trình diễn ghe Cà Hâu kết hợp bắn pháo hoa nghệ thuật; Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Sóc Trăng và đặc sản vùng miền năm 2024 với 350 gian hàng của các đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia.
Cùng với đó là, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; Chương trình Giao lưu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố kết hợp công diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”.
Trong khuôn khổ của Lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao được lồng ghép tổ chức nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng.
Qua đó góp phần thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch địa phương.