Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo và Tuần VHTTDL Sóc Trăng 2024:

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

THẠCH AN

VHO - Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 15.11.2024.

Chiều ngày 20.8, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kế hoạch và dự thảo Quyết định thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban phục vụ tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 1
Hội đua ghe ngo

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở VHTTDL Trần Minh Lý cho biết, Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chủ đề: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”. Thời gian sẽ diễn ra từ ngày 9 – 15.11.2024, tại các địa điểm chính, như: Quảng trường Bạch Đằng, Công viên 30.4, khán đài đường đua ghe ngo, sông Maspéro, Khu Đô thị 5A, Khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt, Bảo tàng tỉnh, Nhà Trưng bày Văn hóa Khmer, Trung tâm Văn hóa tỉnh, chùa Khleang...

Đối với Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI, với 5 hoạt động như: Chương trình khai mạc; Giải đua ghe ngo; Lễ cúng trăng; Hội thi Lôiprotip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà Hâu; tổng kết bế mạc Lễ hội và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp bế mạc trao thưởng giải đua ghe ngo (dự kiến có khoảng từ 55 - 60 đội nam, nữ trong và ngoài tỉnh tham gia).

 Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng có 9 hoạt động, gồm: Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; Giao lưu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố kết hợp công diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Sóc Trăng; tổ chức xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam về trình diễn nhạc ngũ âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam; Giải các câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh và Gala toàn quốc năm 2024; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực Mekong lần thứ I; trình diễn nghệ thuật ánh sáng; giới thiệu sản phẩm du lịch Sóc Trăng.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 2
Sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp về cách thức tổ chức để hoạt động mang đậm dấu ấn của địa phương với vùng đất 3 dân tộc cộng cư, có những nét giao thoa văn hóa độc đáo; hình thức tổ chức, công tác tuyên truyền các hoạt động hiệu quả…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi đề nghị Sở VHTTDL bổ sung một số ý kiến đóng góp để hoàn thiện Kế hoạch tổ chức lễ hội; giao Ban Dân tộc tỉnh mời các tỉnh tham gia. Đồng thời, Văn phòng UBND tỉnh sớm hoàn chỉnh các văn bản quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ hội, các Tiểu ban để triển khai các hoạt động một cách tốt nhất.

Lễ hội Oóc om bóc (tục gọi cúng trăng hay lễ đúc cốm dẹp) của người Khmer Nam Bộ được tổ chức vào giữa đêm rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để bà con tạ ơn Thần Mặt trăng - vị thần lo việc thời tiết giúp bà con trồng trọt được mùa.

Oóc om bóc thật sự đông vui vì bao hàm luôn cả phần lễ và hội. Lễ là lễ cúng trăng, còn hội luôn gắn liền với cuộc đua ghe ngo, mà nay đã trở thành một giải truyền thống của Sóc Trăng.

Lễ cúng trăng được tổ chức đêm 14.10 âm lịch tại các gia đình, ngay khi trăng vừa lên. Một mâm sản vật  được bày giữa sân. Gia chủ khấn nguyện cúng lên thần những sản vật của vụ mùa vừa qua.

Sau lễ cúng trăng, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió, đèn Lôipratip (đèn nước-hoa đăng). Bầu trời rực sáng với những chùm đèn gió bay cao, trên sông lung linh đủ màu sắc của những ngọn nến được cắm trong những con thuyền hoặc bè nhỏ kết bằng cây chuối, trang trí giấy đủ màu sắc.

Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc. Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụ khách hành hương chảy hội vào tối 14 này.

Vào đêm này, người ta đổ ra đường đông nghẹt, không chỉ có người Khmer, mà còn có đông đảo bà con người Hoa, người Kinh cùng vui chung. Chỗ này tổ chức đấu võ, kéo co, chỗ kia biểu diễn văn nghệ như hát Dù kê, hát, múa tập thể Romvông, Romxaravan, Lăm leo, A day... có khi kéo dài trắng đêm.

Chính hội là đua ghe ngo tổ chức vào ngày 15.10 âm lịch, được tổ chức tại đoạn sông Sung Dinh, với sự tham dự của hàng trăm nghìn  người dân và du khách.