Lễ hội Trà Đường Hoa huyện miền núi vùng Đông Bắc
VHO - Ngày 26.10, tại đồi chè ở thôn 8, xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ khai mạc "Lễ hội Trà Đường Hoa 2024” với nhiều nội dung đặc sắc.
Tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Giữa không gian thiên nhiên xanh mướt của những đồi chè bạt ngàn, du khách vừa thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan, vừa có cơ hội tìm hiểu về lịch sử phát triển của trà Đường Hoa – thương hiệu đã có lịch sử hơn 60 năm, được đánh giá cao và trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh.
Ngày hội Văn hóa Du lịch Trà Đường Hoa được xã Quảng Long duy trì tổ chức thường niên từ năm 2018 đến nay nhằm quảng bá và tôn vinh những giá trị của thương hiệu trà Đường Hoa.
Năm 2024, sự kiện văn hóa du lịch này được huyện Hải Hà phát triển và nâng tầm quy mô trở thành Lễ hội Trà Đường Hoa với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
Điểm nhấn tại lễ khai mạc là các nghi thức như: Rước nước đầu nguồn, rước cây chè cổ thụ, tưới nước “khởi sinh” cho cây chè. Đây đều là những hoạt động mang tính biểu tượng, thể hiện sự tôn vinh, trân trọng và bảo tồn cây chè truyền thống.
Nghi thức trao cây chè giống cho thế hệ trẻ thể hiện quyết tâm gìn giữ tinh hoa, vun đắp cho sự phát triển bền vững của vùng chè Hải Hà, không ngừng khẳng định chất lượng, thương hiệu, vị thế của trà Đường Hoa trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm giới thiệu, quảng bá về lịch sử, văn hóa, mảnh đất và con người huyện Hải Hà, sự hình thành và phát triển vùng trồng chè và thương hiệu Trà Đường Hoa cùng các hoạt động trình diễn nghệ thuật pha trà, trình diễn trang phục Áo dài.
Trong khuôn khổ Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: Giải đua xe đạp trải nghiệm khám phá đồi chè và hồ Trúc Bài Sơn; giải chạy tập thể vòng quanh đồi chè; đồng diễn dân vũ trên nương chè; các hoạt động thể thao như bóng chuyền hơi, kéo co, đẩy gậy…; khai mạc không gian triển lãm, giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP, ẩm thực địa phương; triển lãm ảnh đẹp về Hải Hà; chung kết hội thi Giọng hát hay huyện Hải Hà lần thứ II năm 2024.
Đặc biệt, du khách sẽ được xem thi hái chè, thi sao chè thủ công truyền thống, thi chế biến món ăn và đồ uống mang hương vị trà…
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, những năm qua, huyện Hải Hà đã tập trung phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Là huyện miền núi, biên giới, huyện Hải Hà có 11 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi và 1 xã đảo: Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Phong, Quảng Thịnh, Đường Hoa, Cái Chiên. Toàn huyện hiện có 13 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 25%.
Hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân gian
Để phát huy tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và văn hoá, Đề án “Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng địa phương như: Du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Quảng Đức, xã Quảng Sơn; Du lịch văn hóa lễ hội tâm linh tại đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà, đình Cái Chiên; Du lịch trải nghiệm tham quan đồi chè tại xã Quảng Long...
Thời gian qua, huyện Hải Hà đã và đang chú trọng thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, đặt ra các mục tiêu cụ thể và đạt hiệu quả rõ ràng.
Trong đó, địa phương đã ưu tiên dành nguồn kinh phí ngân sách hằng năm và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ về hạ tầng du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân gian, các lễ hội và nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản địa phương…
Từ năm 2023 đến nay, huyện Hải Hà đã mở nhiều lớp tập huấn, truyền dạy và phục dựng các nghi lễ, nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể, như: Lớp truyền dạy lễ cấp sắc Dân tộc Dao; lớp dạy nghề thêu thủ công dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán...
Huyện cũng đã thành lập 14 CLB văn nghệ dân gian với hơn 150 thành viên tham gia; sưu tầm xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa dân tộc Dao tại xã Quảng Sơn; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, phục dựng.
Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân, du khách và đồng bào DTTS tham gia như: Ngày hội Văn hóa Thể thao dân tộc huyện Hải Hà; Liên hoan tiếng hát Khu dân cư huyện Hải Hà; Cuộc thi, triển lãm nhiếp ảnh, hội họa; Ngày hội văn hóa du lịch Trà Đường Hoa; Lễ hội Sóng Mun, Tuần lễ Du lịch Cái Chiên chào hè…
Bên cạnh đó, huyện duy trì 4 lễ hội truyền thống: Lễ hội đền Trần Hưng Đạo, Đình Tó, Đình Quang Lĩnh, Đình Mi Sơn. Qua đó, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân.
Với những tiềm năng, thế mạnh về văn hoá đó, huyện Hải Hà xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch của địa phương.
Huyện Hải Hà đã được tỉnh Quảng Ninh công nhận 2 tuyến và 3 điểm du lịch: Tuyến 1 “Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà - Cửa Khẩu Bắc Phong Sinh”, tuyến 2 “Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà - Đảo Cái Chiên”; 3 điểm du lịch là “Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Hải Hà”, “Cửa Khẩu Bắc Phong Sinh”, “Đảo Cái Chiên”.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc thù, trong đó có những sản phẩm gắn với đồng bào DTTS như: Du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao tại xã Quảng Đức và xã Quảng Sơn; Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp; kết hợp chơi golf, tham quan, nghiên cứu sinh thái tại xã đảo Cái Chiên; Du lịch nghỉ dưỡng hồ trên núi, kết họp vui chơi giải trí cuối tuần; tham quan, trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại hồ Trúc Bài Sơn (xã Quảng Sơn).
Các nhóm sản phẩm du lịch có ý nghĩa địa phương cũng bước đầu hình thành và bước đầu thu hút du khách, như: Du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao gắn với các sản phẩm OCOP; VietGAP (xã Quảng Minh, Đường Hoa, Quảng Thành, Quảng Long); Du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh (Thị trấn Quảng Hà, xã Cái Chiên, Quảng Minh, Đường Hoa).
Với những lợi thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm như: Leo núi, lội suối, vượt thác, trekking khám phá rừng nguyên sinh cũng hình thành và phát triển ở xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Cái Chiên. Hay phát triển du lịch tham quan các chứng tích chiến tranh: Đồn cao, Dốc cổng trời, đỉnh Cao Ba Lanh...
Việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đã có nhiều kết quả thiết thực.
Năm 2023, toàn huyện đón 102.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 134 tỉ đồng, vượt 24% so với kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2024, huyện Hải Hà đón 150.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch cũng sẽ tăng cao so với kế hoạch. Các chỉ tiêu về cơ sở lưu trú du lịch, số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch của huyện tăng, đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra của năm 2024.