Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê

PHƯƠNG THẢO

VHO - Tối 19.10, UBND thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tổ chức Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống Vũ điệu Ban Mê. Chương trình nhằm quảng bá bản sắc văn hóa, trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 1
Chương trình diễn ra dưới tán cây Long Não cổ thụ trong khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại, thành phố Buôn Ma Thuột

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, thành phố có diện tích tự nhiên hơn 370 km2, dân số gần 500.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16%.

Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Buôn Ma Thuột là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc với những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 2

Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo ra những món đồ dùng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc.

Thổ cẩm Tây Nguyên mang vẻ đẹp tinh tế đầy sức hút và đặc trưng của đồng bào các dân tộc, phản ánh sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Mỗi sản phẩm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo của những người nghệ nhân, không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 3

Trong những năm qua, việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột bước đầu mang lại hiệu quả. Thành phố luôn tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể, nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê” nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung; quảng bá bản sắc văn hóa, trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 – 22.11.2024).

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 4
Sắc màu thổ cẩm của các cô gái Ê Đê

Chương trình “Vũ điệu Ban Mê” đã mang đến cho đại biểu, Nhân dân và du khách những màn biểu diễn nghệ thuật hết sức ý nghĩa, được dàn dựng công phu; các nghệ nhân đã giới thiệu các sản phẩm và biểu diễn quy trình dệt thổ cẩm; trình diễn các bộ trang phục thổ cẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số do các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu Việt Nam thực hiện.

Cùng với đó, chương trình còn tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên qua các hình ảnh gần gũi trên sân khấu như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm gốm, đan lát, chiếc gùi… và tái hiện lễ ăn cơm mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ lúa mới, lễ rước nước, lễ chúc sức khỏe. Chương trình diễn ra thành công tốt đẹp, lôi cuốn, hấp dẫn, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 5
Buôn Ma Thuột trở nên huyền diệu hơn vì những đường tơ của Thổ cẩm đang dệt nên vũ điệu mới cho cuộc sống trên mảnh đất di sản đậm chất Tây Nguyên, giàu bản sắc

Buôn Ma Thuột hôm nay trở nên huyền diệu hơn vì những đường tơ của Thổ cẩm đang dệt nên vũ điệu mới cho cuộc sống trên mảnh đất di sản đậm chất Tây Nguyên, giàu bản sắc. Với bàn tay và trái tim dũng cảm, những người con Tây Nguyên đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm rất đặc sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống. Tiếp nối để góp phần phát triển ngành nghề truyền thống, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Từ đó mang trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Tỉnh Đắk Lắk đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần xây dựng Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk ngày một giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 6

*Cũng trong dịp này, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ công bố buôn Tơng Jǔ, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột là điểm đến du lịch cộng đồng.

Chính quyền các cấp kỳ vọng, điểm đến du lịch cộng đồng này sẽ góp phần giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong buôn.

Đây cũng là buôn thứ hai của TP Buôn Ma Thuột sau buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi được công bố là điểm đến du lịch cộng đồng.

Đặc sắc chương trình Vũ điệu Ban Mê - ảnh 7
Diễn tấu cồng chiêng tại Lễ công bố. Ảnh: Đăng Triều

Trước đó, ngày 16.11.2023, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu buôn Tơng Jŭ, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột và buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.