Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW:
“Sức mạnh mềm” văn hóa, con người Việt Nam trong sự phát triển của đất nước
VHO - Chiều 12.6 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 33- NQ/TƯ về nội dung kiểm tra, khảo sát Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Chủ trì buổi làm việc có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông. Tham dự có các thành viên đoàn công tác; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.
Kết quả tích cực trong thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, chuẩn bị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TƯ, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 33- NQ/TƯ đã được thành lập; triển khai kế hoạch khảo sát, kiểm tra tại các địa phương.
“Đây là buổi làm việc quan trọng để cùng bàn thảo, thống nhất về những nội dung trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/ TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cần đi sâu vào các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ VHTTDL, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đạt được những kết quả tích cực, nêu rõ hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp trong thời gian tới…”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Ông đề nghị cần tập trung vào những điểm nổi bật, cách làm mới, sáng tạo và bài học kinh nghiệm mà Bộ đã tập trung triển khai, đúc rút trong thời gian qua. “Lĩnh vực văn hóa sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã được dành nhiều sự quan tâm, nhiều nội dung quan trọng được tập trung triển khai thực hiện, trong đó có chủ trương về Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Những nội dung này cần được làm rõ”, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.
Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện 6 nhiệm vụ tại Nghị quyết: Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Về phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Thực hiện 4 nhóm giải pháp cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách pháp luật để giải quyết những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; Về xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa; Về tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
Báo cáo của Bộ VHTTDL cũng nêu một số hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa kịp thời; một số nơi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức. Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW và các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ.
Công tác quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật từng bước đi vào nền nếp, nhưng việc kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý đã phân cấp cho các địa phương cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn.
Hoạt động văn học nghệ thuật tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn, có tầm ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt khẳng định, sau 10 năm thực hiện, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 33-NQ/TW đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11.2021) và đợt Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, công tác văn hóa nghệ thuật được chú trọng, chuyển động tích cực, có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong Nghị quyết nhưng chưa được chỉ đạo tập trung, thường xuyên, liên tục, do đó chậm được khắc phục.
Nêu rõ những bài học kinh nghiệm, Bộ VHTTDL cũng đề xuất những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chuyển biến trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa quốc gia
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông bày tỏ cảm ơn các thành viên trong đoàn đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực từ Bộ VHTTDL cũng như thể hiện sự quan tâm sâu sát đến mọi lĩnh vực quản lý của ngành, những kết quả đạt được và những vướng mắc cần giải pháp tháo gỡ.
“Triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, Bộ VHTTDL đã nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, con người Việt Nam trong bức tranh phát triển chung của đất nước”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng đã trao đổi, giải đáp những vấn đề mà đoàn công tác đặt ra, trọng tâm về vấn đề thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển của ngành; đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật, các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống; thu hút, trọng dụng nhân tài người Việt đóng góp trí tuệ, tinh hoa cho phát triển đất nước; vấn đề sáp nhập các đơn vị nghệ thuật dẫn đến nghiệp dư hóa nghệ thuật đỉnh cao; văn hóa đối ngoại; quảng bá văn hóa, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới; đầu tư cho văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, phong trào TDĐKXDĐSVH; bảo tồn di sản văn hóa…
Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã tích cực triển khai, tham mưu và trình Chính phủ những đề án liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng trí thức của ngành VHTTDL, thông qua đó đảm bảo điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo tài năng trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Về công tác đào tạo trong các ngành nghề nghệ thuật truyền thống, từ năm 2021 đến nay, Bộ đã và đang cố gắng xây dựng Nghị định đào tạo đặc thù để từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn trong bảo tồn, phát triển các ngành như tuồng, chèo, cải lương...
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, bên cạnh những cái khó, trong đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cũng như bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, ngành văn hóa đã có nhiều điểm sáng, đặc biệt trong câu chuyện truyền nghề từ các nghệ nhân, tinh hoa văn hóa cho thế hệ trẻ hôm nay.
Về băn khoăn sáp nhập các đoàn, đơn vị nghệ thuật dẫn đến sự nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, Thứ trưởng cho biết, thực tiễn cho thấy có nhiều cách làm khác nhau, có tỉnh làm tốt tạo động lực cho phát triển, nhưng cũng có nhiều địa chỉ theo chiều ngược lại. “Tuy nhiên phải thừa nhận rằng sáp nhập không đúng cách dẫn đến chất lượng các ngành nghệ thuật truyền thống đi xuống, thậm chí làm mai một năng lực, khát khao sáng tạo, ảnh hưởng đến chất lượng ngành nghề, thiếu vắng thế hệ nghệ sĩ xuất sắc…”, Thứ trưởng thắng thắn.
Về vấn đề được quan tâm là quản lý trên không gian mạng, Thứ trưởng đơn cử ở lĩnh vực nóng là điện ảnh, sau khi Luật Điện ảnh sửa đổi chính thức có hiệu lực, xuất phát từ thực trạng nhiều bất cập nảy sinh, Cục Điện ảnh đã thành lập riêng một bộ phận chịu trách nhiệm quản lý phim trên không gian mạng. Theo đó, Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ đã phối hợp chặt chẽ, sàng lọc nhiều phim vi phạm, có nhiều văn bản xử phạt nghiêm khắc với các nhà mạng trong và ngoài nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong những sự kiện lớn của đất nước, Bộ VHTTDL đã khẳng định vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình; cùng phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Ban, Bộ, ngành liên quan để chủ động triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thành công của Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ vừa qua có sự đóng góp của Bộ VHTTDL.
“Trong năm nay và năm 2025, đất nước ta có nhiều dịp kỷ niệm lớn, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó”, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông.
Nền tảng cho giai đoạn kế tiếp
“Nghị quyết 33 có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt trong vấn đề xây dựng văn hóa, con người trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ VHTTDL với vai trò, trách nhiệm của mình luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, văn hóa con người mới. Đây chính là nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, khẩn trương của Bộ VHTTDL trong thảo luận, trao đổi những vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông ghi nhận, Bộ VHTTDL đã trách nhiệm, công phu, toàn diện, có độ bao quát trong chuẩn bị báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết trong 10 năm qua.
Nhấn mạnh những kết quả Bộ VHTTDL đã đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, với khối lượng công việc đồ sộ, lĩnh vực rộng lớn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu một số kết quả nổi bật như công tác triển khai các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đã được thực hiện nghiêm túc; tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về đường lối văn hóa, văn học nghệ thuật chuyển biến tích cực, hiệu quả; công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người có nhiều tiến bộ…
“Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản, Nghị định, Chương trình, Đề án trong lĩnh vực văn hóa… Gần đây là Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm toàn diện các vấn đề về xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, môi trường văn hóa…, sát sao trong triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước về đường lối phát triển văn hóa văn nghệ. Đồng thời có nhiều cách thức, nội dung đổi mới, góp phần hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa trên cả nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…”, ông Thủy khẳng định.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành ngày càng được quan tâm. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng, chủ động, tích cực và hiệu quả...
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Phan Xuân Thủy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập cần khắc phục. Báo cáo của Bộ cũng đã chỉ rõ nhiều vấn đề, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp.
Ông lưu ý một số vấn đề cụ thể như sự quan tâm, đầu tư xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phát triển văn hóa ở một số nơi còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Một số hoạt động văn hóa có lúc, có nơi được tổ chức nặng về hình thức. Một số vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn như phát triển thị trường văn hóa, sản phẩm văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, nguy cơ mai một di sản văn hóa, sai phạm trong trùng tu tôn tạo di tích; đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới cả về chất lượng và số lượng…
Để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục bất cập, đoàn công tác cơ bản nhất trí các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Bộ VHTTDL nêu. Ông Phan Xuân Thủy lưu ý một số nội dung như cần tiếp tục quán triệt sâu rộng, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các nội dung quan trọng về văn hóa văn nghệ; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 và các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.
Cần nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục triệt để. Tích cực tham mưu, cải cách mạnh mẽ chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ; tập trung vào các giải pháp căn cơ như xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; phát triển đồng bộ và toàn diện các lĩnh vực về văn hóa, môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng văn hóa trong công sở, cơ quan, đơn vị; văn hóa trong lãnh đạo quản lý; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa cả về số lượng và chất lượng, từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, Chiến lược quốc gia về văn hóa; tăng cường phối hợp với các Ban, Bộ ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc …
Theo ông Phan Xuân Thủy, những kiến nghị, giải pháo đề xuất từ Bộ VHTTDL sẽ được đoàn công tác nghiên cứu, tổng hợp để đưa vào báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33.