Tuần làm việc cuối cùng kỳ họp thứ 8:
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
VHO - Tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, từ ngày 25 – 30.11, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Tại kỳ họp thứ 8 này, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; hồ sơ Chương trình đã đảm bảo các thông tin chi tiết về mục tiêu, nội dung, dự án cụ thể, địa điểm triển khai, ngân sách và các hoạt động dự kiến với 11 phụ lục thiết thực, đánh giá rõ nguồn lực cần thiết, bao gồm tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị, để thực hiện chương trình; đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, các mốc thời gian cần thiết để đánh giá tiến độ.
Các ý kiến đại biểu đều đồng thuận, thống nhất rất cao cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rộng, phản ánh tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội.
Do vậy, các đại biểu kỳ vọng Chương trình sẽ có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Các ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, hồ sơ Chương trình đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình để Quốc hội thông qua.
Cũng tại tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Cùng với đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (trong đó có các nội dung về: chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững).
Trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Quốc hội cũng nghe trình và thảo luận về các báo cáo: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Công tác của Tòa án nhân dân năm 2024; Công tác thi hành án năm 2024; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi).
Đáng chú ý, trong 2 ngày 27-28.11, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự.
Theo chương trình, chiều 30.11, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội hóa XV.