Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa:
Đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn
VHO - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vào cuối tuần qua, đa số các ý kiến đánh giá, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo, làm rõ thêm một số ý kiến.
Thống nhất đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài
Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Ủy ban nhất trí với phạm vi của Chương trình như dự thảo Nghị quyết và nhất trí với đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho biết, “về đề xuất đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tôi thống nhất bởi vấn đề này nằm ngoài quy định của Luật Đầu tư công. Việc xây dựng các Trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ giúp chúng ta giới thiệu và lan tỏa hình ảnh văn hóa đất nước, con người Việt Nam với quốc tế nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện”. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay, bày tỏ sự ủng hộ cao với sự cần thiết phải có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Trong đó ủng hộ đề xuất về việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Tuy nhiên đề nghị phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, vì bản chất đây là xuất khẩu văn hóa, là quảng bá văn hóa. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cũng bày tỏ tán đồng với đề xuất xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. “Có thể nói, việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại các nước là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, đồng thời đóng góp cho quá trình thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của quốc gia và tạo sức mạnh mềm của đất nước, cũng như của dân tộc. Đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam”, đại biểu Thanh Hương nói.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, “việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại của Nhà nước và là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Thông qua đó để chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài. Vì vậy, hướng tới chúng ta sẽ lựa chọn từ ba đến năm Trung tâm cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự, Chính phủ sẽ trình và quyết nghị theo nguyên tắc đối đẳng”. Dẫn thông tin từ Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hàn Quốc cho biết, phía bạn được Chính phủ giao xây dựng 80 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta không thể lấy Hàn Quốc để nói về Việt Nam, nguồn lực của chúng ta đến đâu, kiều bào của chúng ta sinh sống ở địa bàn nào, nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào, thì chúng ta trình Chính phủ để làm.
Trình bày Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ.
Các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Về phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định...
Các mục tiêu đã được tính toán khoa học
Góp ý Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, dự thảo đã được chỉnh sửa, tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong thảo luận tại kỳ họp thứ 7. Đại biểu Nga cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về các con số của mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia. Bởi không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần trùng tu, tôn tạo và việc phân bổ nguồn nhân lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm.
“Tôi đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia, các di tích quốc gia đặc biệt đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo. Các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo”, đại biểu Nga đề nghị. Về các mục tiêu của Chương trình như ý kiến của đại biểu Nguyễn Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc tính toán các con số để đưa ra mục tiêu phấn đấu là dựa trên phương pháp tịnh tiến, khoa học. “Có nghĩa là chúng ta đã xem xét các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được đầu tư các giai đoạn trước đây cùng với Chương trình này để đến khi kết thúc vào năm 2030 chúng ta có được 95%. Những người làm chương trình viết và hiểu như vậy, nhưng nếu đọc qua, lấy 133 di tích quốc gia đặc biệt hiện nay nhân lên 95% sẽ ra tổng số gần 100 di tích phải được nâng cấp, điều đó không phải. Để tránh sự nhầm lẫn, chúng tôi rất đồng ý với đại biểu Nga, đó là chúng ta viết thẳng là “những di tích xuống cấp” để chúng ta phấn đấu làm, không phải đưa chỉ tiêu 95% theo cách tính tịnh tiến. Cách tiếp cận thế này dẫn đến sự hiểu lầm và cứ nhân lên, cuối cùng ra một bài toán hàng nghìn di tích được nâng cấp. Điều đó chúng tôi xin được tiếp thu và theo tinh thần là đã nâng cấp, đã phân cấp thì chúng tôi đã phân cấp triệt để.
Con số này cũng được tính toán, như giai đoạn trước đây chỉ được bố trí 245 tỉ đồng, chúng ta đã chia số này theo hướng cấp bách, xuống cấp nghiêm trọng thì chúng ta được nâng cấp, có 400 di tích. Gần đây nhất trong nhiệm kỳ này, khi Chính phủ quyết định cấp 1.428 tỉ đồng để nâng cấp 17 di tích và Bộ VHTTDL phân cấp triệt để cho địa phương, địa phương làm chủ đầu tư và địa phương thực hiện nâng cấp 17 công trình này. Tương tự theo cách làm này để chúng ta chuyển hướng về di tích và chỉ tiêu”, Bộ trưởng nêu rõ.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng; đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan liên quan, nhà khoa học, nhà quản lý... để hoàn thiện dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các ý kiến có sự đồng thuận, thống nhất cao về sự cần thiết, cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là Chương trình quan trọng, có nội dung rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, các đại biểu kỳ vọng, khi được Quốc hội thông qua và đi vào thực tiễn, Chương trình sẽ có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.