Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá
VHO - Sáng 19.6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.
Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết phải đầu tư cho Chương trình như trong Tờ trình của Chính phủ.
Đồng ý với sự cần thiết phải xây dựng, đầu tư cho Chương trình, đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) góp ý vào khá nhiều nội dung. Trong đó bà thống nhất với đề xuất đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Theo bà, đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đồng thời việc xây dựng các Trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài cũng sẽ góp phần thiết lập quan hệ đối tác, phát huy công tác đối ngoại giữa Việt Nam và các nước trong đó văn hoá đóng vai trò là trụ cột. Tuy nhiên bà đề nghị ban soạn thoả cân nhắc để xác định các danh mục đầu tư cũng như xây dựng lộ trình để triển khai.
Đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng Chương trình là một trong những cơ chế cần thiết để nuôi dưỡng, phát huy sức mạnh mềm của văn hoá. Bà cũng đồng ý với đề xuất xây dựng các Trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài bởi điều này phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng về phát triển văn hoá, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Việc xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài cũng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, hội nhập văn hoá, quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho rằng do tính cấp thiết nên Chương trình cần sớm được thông qua, chỉ trong 1 kỳ họp để triển khai kịp thời. Lấy ví dụ là tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị di sản, rất cần Chương trình sớm được thông qua để triển khai thực hiện.
Thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Chương trình và các mục tiêu tổng quát mà Chương trình đặt ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, ông ấn tượng với mục tiêu phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Trong đó tập trung xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. "Đây là mục tiêu cơ bản, cấp thiết nhất", đại biểu Trí đánh giá.
Đại biểu Trí cũng góp ý về mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong đó mục tiêu các ngành này đóng góp 8% GDP vào năm 2035, theo đại biểu Trí không phải là cao nếu xét trên doanh thu 2 đêm nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) biểu diễn tại Việt Nam và thực tế, Việt Nam đã có nhiều nhà làm phim đoạt doanh thu lên tới 500-600 tỉ, thậm chí là 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên đại biểu Hà Nội cũng cho rằng việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tại Việt Nam không dễ vì chúng ta chưa có nền công nghiệp văn hoá thực thụ, bài bản, cần chú trọng thêm nhiều yếu tố để phát huy lĩnh vực này.
Ông cũng lưu ý đến nội dung phát triển nhân lực văn hoá và lưu ý tài năng văn hoá là năng khiếu bẩm sinh trong cộng đồng làng, xã, khu phố phải có cách thức, phải lặn lội với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, vô tư mới tìm ra được các tài năng đích thực để đào tạo, phát triển. Ông cũng mong Chương trình có nội dung để hỗ trợ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển bởi kể từ khi thành lập cho đến nay Hội đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của văn học nghệ thuật nói riêng và đất nước nói chung.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) lại mong Chương trình quan tâm hơn đến việc gìn giữ văn hoá độc đáo từ chữ viết, tiếng nói, trang phục của đồng bào các dân tộc. Dẫn câu chuyện khi đi trực tiếp đến nhiều địa phương, khi hỏi chuyện, các em nhỏ dù là người dân tộc nhưng không biết nói tiếng dân tộc, cha mẹ các em cũng không biết viết chữ, nói tiếng của tổ tiên, đại biểu mong Chương trình sẽ dành sự quan tâm tới đối tượng này để gìn giữ nét văn hoá độc đáo của bà con các dân tộc.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đánh giá đây là một Chương trình rất cần thiết, đặc biệt là những người theo dõi lĩnh vực văn hóa cũng như có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Ông cũng cho biết ông rất vui mừng, thậm chí là rất trân quý sau khi Quốc hội bổ sung thêm Chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, là chủ trương đã được nêu rõ tại nhiều văn kiện nghị quyết của Đảng ta và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24.11.2021.
"Việc triển khai đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa theo Báo cáo số 166 của Chính phủ ngày 17.4.2024 của Chính phủ là hết sức cần thiết và kịp thời để thể chế hóa chủ trương này. Báo cáo 166 dài 318 trang thể hiện sự nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng của cơ quan đề xuất chương trình", đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) kỳ vọng rằng, với hiệu quả của Chương trình này sẽ giải quyết được những vấn đề về bất cập, hạn chế cũng như thực hiện chính sách về phát triển văn hóa hiện nay, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phát triển văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, đặc biệt là khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Bày tỏ sự ủng hộ với Chương trình mục tiêu quốc gia và ghi nhận Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có sự chuẩn bị rất nỗ lực để có đề án báo cáo với Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, ông rất vui bởi vì cuối nhiệm kỳ Quốc hội này Chính phủ có đề án để tiếp tục thực hiện với niềm hy vọng chứ không phải chỉ là những câu hỏi kiểu như bao giờ thì du lịch Việt Nam đuổi kịp Thái Lan, Malaysia? Chương trình sẽ giúp chúng ta có sự chuẩn bị cho những năm tháng tiếp theo với sự chuẩn bị rất bài bản, kỹ lưỡng...
Giải trình ý kiến của các đại biểu trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao 29 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Bộ trưởng cho biết, ông rất phấn khởi khi 29 ý kiến đều thảo luận và thống nhất cao với sự cần thiết phải có Chương trình và mong muốn Chương trình sớm được ban hành, đóng góp nhiều ý kiến để Chương trình có tính khả thi cao hơn khi triển khai thực tế. Bộ trưởng cũng đã có những giải trình cụ thể về các nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, qua thảo luận cho thấy nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình. Đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội.
"Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa cũng như tư tưởng hiến định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013.
Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc", Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.