Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ:

Hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV

TÙNG QUANG

VHO - Sáng 17.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang.

Cùng dự Hội nghị có các Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, các thành viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổ chức hội nghị để rà soát các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp.

Hội nghị được thực hiện trước thời điểm diễn ra kỳ họp một tháng để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra có thời gian thực hiện theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhằm thảo luận, thống nhất về nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8, nhất là các cơ quan cho ý kiến xem xét về tiến độ, thời gian, chất lượng theo quy định, việc chuẩn bị nội dung những dự án luật, nghị quyết để bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 theo chương trình rút gọn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.

Hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - ảnh 2
Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo đó, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21.10.2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3.12.2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21.10 đến 12.11.2024; Đợt 2 từ ngày 20.11 đến 3.12.2024. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cùng tập trung rà soát, xem xét những dự án luật, nghị quyết nào đã cơ bản hoàn thành để trình Quốc hội; rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án trình thông qua tại Kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn. Đồng thời, tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị cho các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cơn bão số 3 diễn biến rất phức tạp, hậu quả nặng nề, đến nay vẫn chưa thống kê được hết. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ đứng trước áp lực lớn trong việc thu chi ngân sách, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định cuộc sống cho Nhân dân.

"Do đó, Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế hóa kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng. Tinh thần chung là chúng ta phải kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc. Phần nào Chính phủ điều hành, thuộc thẩm quyền quyết định thì Chính phủ chủ động. Phần nào vượt thẩm quyền của Chính phủ, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp bất cứ lúc nào để giải quyết ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì báo cáo Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - ảnh 3
Các đại biểu dự Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của nhân dân.

Các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến trình Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nêu rõ, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trước hết là do cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, nhất là các dự án trình Quốc hội thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn.

"Luật, nghị quyết có chất lượng hay không thì trước hết phải xuất phát từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và Chính phủ. Khi Chính phủ trình sang đây thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, thực chất để đạt hiệu quả cao nhất".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau nhiều lần, kể cả các đồng chí trưởng ngành, trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận có lý lẽ, khoa học, thực tiễn để đi đến thống nhất phương án trình Quốc hội. Có như vậy, khi trình Quốc hội mới thuyết phục và đạt sự đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các đồng chí được phân công theo dõi, chỉ đạo thực hiện các dự án luật, nghị quyết phải đeo bám đến cùng, tránh tình trạng nay cử đồng chí này, mai cử đồng chí khác đi họp thay. Nếu Bộ trưởng vắng thì Thứ trưởng phải đi thay để bảo đảm việc tiếp thu, chỉnh lý.

Hội nghị chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV - ảnh 4
Toàn cảnh Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tới đây khi xem xét sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần thay đổi tư duy, cách làm để bảo đảm đơn giản hóa hệ thống pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm cao, liên thông.

"Những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thì trên tinh thần khó đến đâu gỡ đến đó, tắc đến đâu thông đến đó, kiên trì, bền bỉ để chúng ta xử lý", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 74 hồ sơ, tài liệu, tờ trình, trong đó có: 15 dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua; 10 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến; 16 tờ trình, báo cáo tại hội trường; 33 báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội 18 hồ sơ, tài liệu. Khối lượng các tài liệu, dự án trình Quốc hội rất lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Do đó, hội nghị thống nhất Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; các bộ, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, báo cáo trình Quốc hội.