Tiềm năng và thách thức của bóng đá học đường

KHẢI HƯNG

VHO - Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo trẻ, bóng đá học đường ngày càng trở thành một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển lâu dài.

 Tuy nhiên, mô hình bóng đá học đường tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, từ cơ sở vật chất đến chương trình huấn luyện. Vậy liệu đã đến lúc cần phải chuyên nghiệp hóa bóng đá học đường để tạo ra thế hệ cầu thủ đẳng cấp quốc tế?

Tiềm năng và thách thức của bóng đá học đường - ảnh 1
Cần tổ chức các chương trình bóng đá cộng đồng trong trường học để qua đó phát hiện những tài năng

 Thiếu chuyên nghiệp, thiếu kết nối

Bóng đá học đường tại Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính phong trào, với sự tham gia của các đội bóng học sinh ở nhiều trường phổ thông. Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định trong việc tổ chức nhiều giải đấu cho các lứa tuổi từ U13 đến U17, song sự chuyên nghiệp trong đào tạo và quản lý vẫn còn nhiều hạn chế.

Các giải đấu dành cho lứa tuổi U13 đến U17, như Giải U13 Cup, Giải U15 và U17 Quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ cho bóng đá Việt Nam.

Đây là những sân chơi mang tính chất quyết định, giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát và nâng cao kỹ năng thi đấu trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, vấn đề lớn mà bóng đá học đường Việt Nam đang gặp phải là sự không đồng đều giữa các đội bóng.

Các đội bóng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có lợi thế về cơ sở vật chất, huấn luyện viên và cơ hội thi đấu, trong khi đó, các đội bóng ở các tỉnh, thành khác lại thiếu thốn về mọi mặt.

Khi nhìn vào sự phát triển của bóng đá học đường tại quốc gia láng giềng Thái Lan, hay các nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều điều.

Tất nhiên, mỗi quốc gia có nền văn hóa khác nhau, do đó chỉ nên học hỏi chứ không thể sao chép. Chuyên gia người Hàn Quốc Bae Ji Won cho biết: “Bóng đá tại Hàn Quốc không chỉ là môn thể thao vua theo thị hiếu công chúng, mà còn là chiến lược đầu tư bài bản của cả hệ thống thể thao quốc gia. Mục tiêu tối thượng luôn rõ ràng: Giành vé dự World Cup và tiến xa nhất có thể ở đấu trường danh giá nhất hành tinh”.

Ở khía cạnh thể thao cộng đồng, cơ sở vật chất là điểm sáng đáng kể. Từ đô thị lớn đến thị trấn nhỏ, các sân vận động được xây dựng với tiêu chuẩn cao, phục vụ không chỉ bóng đá mà cả các môn thể thao cá nhân như điền kinh.

“Khác biệt dễ thấy nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc là số lượng giải đấu cũng như điều kiện sân bãi. Tại Hàn Quốc, sân cỏ đạt chuẩn là yếu tố bắt buộc - bởi đó là nền tảng phát triển kỹ năng cho cầu thủ trẻ”, ông Bae Ji Won nhấn mạnh.

Hiện tất cả các đội U13, U16, U19 đều được tổ chức theo mô hình trường học hoặc doanh nghiệp tài trợ. Các đội này thường xuyên tham gia hệ thống giải đấu do liên đoàn hoặc địa phương tổ chức.

Đáng chú ý, giải bóng đá trẻ cấp quốc gia tại Hàn Quốc là sự kiện thể thao lớn nhất cả nước, quy tụ hàng trăm đội từ cấp tiểu học đến phổ thông. Bên cạnh đó, mỗi CLB K-League buộc phải duy trì hệ thống đào tạo trẻ bài bản, với lịch thi đấu rõ ràng gồm cả giải League và Cup - tương tự như các đội chuyên nghiệp.

Hệ thống này không dừng lại ở lứa tuổi thiếu niên. Ở cấp độ CLB, K-League không đơn thuần là một giải đấu, mà là hệ thống 7 cấp độ trải dài từ chuyên nghiệp đến phong trào.

Cấu trúc phân cấp rõ ràng này không chỉ tạo ra tính cạnh tranh, mà còn mở ra lộ trình phát triển rõ ràng cho bất kỳ cầu thủ hay CLB nào có tham vọng tiến xa.

Học hỏi không sao chép

Thái Lan đã thành công trong việc liên kết các trường học, các câu lạc bộ và Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) để xây dựng một hệ thống đào tạo đồng bộ, giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu và nâng cao kỹ năng.

Các giải đấu học đường tại Thái Lan được tổ chức từ cấp độ trường học đến cấp độ quốc gia. Nhật Bản cũng nổi bật với hệ thống đào tạo bóng đá học đường chuyên nghiệp và khoa học.

Các học viện bóng đá ở Nhật Bản không chỉ chú trọng vào việc rèn luyện kỹ thuật và thể lực mà còn đặc biệt chú trọng vào việc phát triển các phẩm chất đạo đức và tinh thần đồng đội.

Để nâng cao chất lượng bóng đá học đường, việc hợp tác với các học viện quốc tế là một giải pháp khả thi. Các học viện bóng đá ở các quốc gia phát triển như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức đã có hệ thống đào tạo bài bản, cung cấp không chỉ kỹ thuật bóng đá mà còn chiến thuật, thể lực và tâm lý thi đấu cho các cầu thủ trẻ.

Mô hình đào tạo kép, nơi học sinh vừa học văn hóa vừa tham gia các chương trình đào tạo bóng đá chuyên nghiệp, là một mô hình hiệu quả. Đây là cơ hội để các cầu thủ trẻ phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp trong tương lai.

Để bóng đá học đường Việt Nam phát triển cần có sự đầu tư mạnh mẽ. Đầu tiên, VFF cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển bóng đá học đường, đồng thời tạo ra các chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, cần một hệ thống giải đấu học đường bài bản, với các giải đấu được tổ chức từ cấp trường học đến các giải đấu quốc gia, nhằm giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu thường xuyên và rèn luyện kỹ năng.

Việc phát triển các học viện bóng đá trên toàn quốc cũng là một hướng đi quan trọng, giúp đào tạo các cầu thủ trẻ với chất lượng đồng đều và đảm bảo cơ hội thi đấu cho mọi lứa tuổi.

Bên cạnh đó, việc xây dựng liên minh giữa các trường học, các câu lạc bộ chuyên nghiệp và các học viện quốc tế là một giải pháp lâu dài và bền vững.

Mô hình này giúp phát triển bóng đá học đường một cách toàn diện và bền vững, không chỉ mang lại cơ hội cho các cầu thủ trẻ mà còn giúp nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam nói chung. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc