Tìm giải pháp phát triển các môn thể thao trọng điểm

THU SÂM

VHO - Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Asian Games (ASIAD), Olympic giai đoạn 2026-2046 được tổ chức tại Hà Nội hôm nay 28.3. Từ những ý kiến tâm huyết tại hội thảo, thể thao Việt Nam kỳ vọng sẽ tìm ra “ngọn hải đăng” cho chặng đường sắp tới.

Tìm giải pháp phát triển các môn thể thao trọng điểm - ảnh 1
Việc tập trung đầu tư vào các môn trọng điểm sẽ giúp cho thể thao Việt Nam cải thiện thành tích tại Asian Games, Olympic. Ảnh: VĂN DUY

 Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của thể thao Việt Nam cùng lãnh đạo các Sở VHTT trên cả nước, đại diện 2 ngành Công an và Quân đội; các Trường Đại học TDTT... Đặc biệt sự kiện còn có sự tham gia của chuyên gia David Crocker, đến từ Australia.

Tại đây vị tiến sĩ này sẽ trình bày chủ đề về chiến lược và kinh nghiệm của Australia trong việc phát triển các môn thể thao Olympic. Hy vọng từ tham luận này, các nhà quản lý thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong hành trình tìm giải pháp để thành công hơn tại các đấu trường Asian Games và Olympic.

Theo Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Cục Thể dục thể thao Việt Nam Hoàng Quốc Vinh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, các lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục rất quan tâm đến việc phát triển các môn thể thao trọng điểm.

Ngay sau khi Đoàn Thể thao Việt Nam trở về từ Olympic Paris, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 và nay là Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Asian Games, Olympic giai đoạn 2026-2036.

Trông người lại ngẫm đến ta, theo ông Hoàng Quốc Vinh, thể thao Việt Nam có thể rút ra được nhiều bài học từ kinh nghiệm của các nước. Trong đó, thể thao thành tích cao của Trung Quốc từ rất lâu đã xây dựng chiến lược “Thể thao mũi nhọn”, tập trung vào các môn có khả năng giành huy chương cao, đầu tư mạnh vào các môn phù hợp với thể trạng, thể chất của người Trung Quốc như Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bóng bàn, Cầu lông...

“Họ xây dựng đào tạo chuyên sâu, như xây dựng các trường thể thao từ cấp địa phương đến quốc gia, phát hiện tài năng từ rất sớm (6- 10 tuổi). Bên cạnh đó họ đã ứng dụng khoa học thể thao vào đào tạo, huấn luyện một cách tích cực, hiệu quả, như kết hợp công nghệ vào huấn luyện (dữ liệu sinh trắc học, phân tích kỹ thuật bằng AI, kiểm soát dinh dưỡng...)”, ông Hoàng Quốc Vinh phân tích.

Tại Hàn Quốc, lĩnh vực thể thao thành tích cao có sự kết hợp với chiến lược quốc gia, có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, tiêu biểu là chương trình “Gold plan”. Sau Olympic 1988, Hàn Quốc triển khai chiến lược phát triển thể thao bài bản nhằm duy trì thành tích ở Olympic và ASIAD.

Họ tập trung vào môn thế mạnh, đầu tư trọng điểm vào Bắn cung, Taekwondo, Short track (trượt băng tốc độ), Golf, Bóng đá, với chiến lược phát hiện tài năng từ rất sớm. Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, LG tài trợ mạnh mẽ cho thể thao, tài trợ trực tiếp cho vận động viên và huấn luyện viên xuất sắc.

Áp dụng ứng dụng phân tích dữ liệu và công nghệ cao (AI, VR) trong huấn luyện, đặc biệt là các môn yêu cầu độ chính xác cao như Bắn cung, vì thế Hàn Quốc giành trọn vẹn 5/5 HCV Bắn cung ở Olympic 2024.

Nhật Bản lại phát triển thể thao theo hướng bền vững, mô hình “Elite academy” được hình thành, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo vận động viên song song với giáo dục văn hóa, đảm bảo sự nghiệp sau khi giải nghệ.

Nhật Bản tập trung đầu tư vào huấn luyện viên và khoa học thể thao, hợp tác với các quốc gia có nền thể thao phát triển như Mỹ hay các quốc gia ở châu Âu để nâng cao chất lượng huấn luyện. Họ cũng tập trung vào các môn có lợi thế thể chất như Judo, Đấu kiếm, Bóng bàn... để tham dự các kỳ Olympic.

Còn với Mỹ, lại phát triển thể thao theo hướng thị trường, trong đó thể thao học đường làm nền tảng với hệ thống thi đấu liên trường và chính sách học bổng thể thao giúp phát triển vận động viên.

Khi tham dự các sự kiện thể thao lớn hoặc tổ chức các hoạt động thể thao, các cá nhân, tổ chức sẽ chủ động kêu gọi tài trợ mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Họ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó Mỹ là quốc gia đứng đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao, dùng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quá trình huấn luyện.

Theo chuyên gia Hoàng Quốc Vinh, bài học kinh nghiệm cho thể thao thành tích cao của Việt Nam là chúng ta phải xác định được môn thể thao trọng điểm phù hợp với lợi thế về thể trạng người Việt Nam như Bắn súng, Bắn cung, Cử tạ, Đấu kiếm, Boxing (nữ hạng cân nhẹ)…

Chọn lọc các môn trọng điểm có khả năng giành huy chương cao tại Olympic, ASIAD thay vì dàn trải nguồn lực.

Tiếp theo là xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên từ sớm, phát hiện và đào tạo tài năng từ lứa tuổi nhỏ (6-10 tuổi) theo mô hình học viện thể thao, thuê hoặc mời chuyên gia giỏi ở các môn thể thao trọng điểm rồi trực tiếp đi khắp toàn quốc để tuyển chọn vận động viên ngay từ lúc ban đầu, sau đó trực tiếp tập trung đào tạo tại các trung tâm huấn luyện.

Cùng với đó chúng ta cần liên kết với các công ty, tổ chức chuyên nghiên cứu về công nghệ để xây dựng, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu trong huấn luyện và thi đấu, xây dựng phòng tập công nghệ cao tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Đồng thời Nhà nước tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho thể thao thành tích cao để giảm áp lực ngân sách nhà nước, hợp tác với các học viện thể thao quốc tế để nâng cao chất lượng huấn luyện...

Ông Vinh cũng hy vọng, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ giúp cho ngành Thể thao nói chung và Phòng thể thao thành tích cao nói riêng tìm ra được “kim chỉ nam” trong việc phát triển các môn thể thao trọng điểm nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ Asian Games và Olympic giai đoạn từ năm 2026-2046.