Tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và Asiad:

Lo cho hôm nay và cả ngày mai

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và các đơn vị liên quan về Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Asian Games giai đoạn 2026 - 2046, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Chương trình là việc làm “cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau” của Thể thao Việt Nam. Vì thế cần phải được xây dựng một cách khoa học, kỹ lưỡng và mang tính khả thi.

Lo cho hôm nay và cả ngày mai - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc về Chương trình

 Lựa chọn ra 17 môn thể thao trọng điểm

Theo Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục đã tiến hành 11 cuộc họp xây dựng Chương trình gồm các phần như đánh giá thực trạng chung của thể thao Việt Nam, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng của các môn thể thao Cục đang quản lý để lựa chọn ra 17 môn thể thao trọng điểm.

Về thời gian, căn cứ vào các chu kỳ Asian Games (ASIAD), Olympic, Chương trình lấy mốc thời gian từ năm 2026-2046; bám sát vào các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đề ra các mục tiêu cụ thể.

Trong đó giai đoạn 2025-2030 sẽ là duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á.

Giai đoạn 2031-2046, sẽ thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và top 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ top 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ; giải pháp ngắn hạn và dài hạn để thực hiện.

Sau khi được phê duyệt, Chương trình sẽ được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, đối tượng của chương trình là các vận động viên trẻ, tài năng ở các đội tuyển trẻ quốc gia và những vận động viên trẻ có thành tích, các vận động viên trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai hiện đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, trung tâm đào tạo vận động viên thuộc 63 tỉnh/thành phố, ngành Quân đội và ngành Công an.

Trả lời phỏng vấn Văn Hóa về sự cấp thiết của Chương trình, ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ VHTTDL, các cấp, ngành, địa phương thành tích của Thể thao Việt Nam đã có sự tiến bộ, được thể hiện bằng kết quả đạt được tại các kỳ SEA Games, Đại hội thể thao trẻ, Giải vô địch thể thao quốc tế.

“Tuy chúng ta đã có bước tiến và có sự tiến bộ về thành tích, song kết quả ở những kỳ ASIAD và Olympic vẫn còn khiêm tốn, có dấu hiệu tụt hậu trước nhiều nền thể thao mạnh của châu lục và thế giới.

Nguyên nhân chính là Thể thao Việt Nam thiếu một chương trình cấp quốc gia về đào tạo lực lượng vận động viên tập trung nâng cao thành tích môn thể thao trọng điểm chuẩn bị Olympic và ASIAD. Trong khi đó tại nhiều nền thể thao mạnh ở châu Á, việc đầu tư lực lượng vận động viên trọng điểm thi đấu Olympic và ASIAD được phát triển theo chương trình riêng.

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thể dục thể thao (nay là Cục Thể dục thể thao Việt Nam) nghiên cứu xây dựng Đề án (nay là Chương trình) phát triển thành tích các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị Olympic và ASIAD”, ông Hoàng Quốc Vinh phân tích.

Lo cho hôm nay và cả ngày mai - ảnh 2
Thể thao Việt Nam cần phát triển các môn thể thao trọng điểm để có thành tích tốt hơn tại đấu trường ASIAD và Olympic

Thực hiện hiệu quả nhiều mục tiêu

Để triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, ngày 12.1.2022 Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao đã ban hành quyết định số 25/QĐ- TCTDTT về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2040”.

Ngày 27.1.2022, Tổng cục Thể dục thể thao ban hành quyết định số 102/ QĐ-TCTDTT về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Đề án. Ngày 1.4.2024 Cục Thể dục thể thao ban hành quyết định số 439/ QĐ-CTDTT thay thế cho quyết định 102/QĐ-TCTDTT về việc thành lập Ban soạn thảo xây dựng “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Ngày 19.10.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1189/ QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án được đổi tên thành Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046.

Theo các chuyên gia, về hiệu quả chuyên môn, Chương trình sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về thể thao thành tích cao Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả, chất lượng và hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại cho thể thao thành tích cao đến năm 2046. Về hiệu quả xã hội, Chương trình sẽ lan tỏa hình ảnh và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về hiệu quả kinh tế, Chương trình sẽ cho thấy thể thao đã, đang và sẽ là một trong những ngành kinh tế thu hút nguồn nhân lực, vật lực đáng kể trong nền kinh tế quốc dân. Sở hữu những vận động viên tài năng sẽ đem lại lợi nhuận bởi các hợp đồng chuyển nhượng, thi đấu, quảng cáo, bản quyền truyền hình… 

 Xây dựng Chương trình một cách khoa học, đảm bảo tính khả thi

 Sáng 4.3, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và các đơn vị liên quan về Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Chúc mừng Cục có tên gọi mới (tên cũ là Cục Thể dục thể thao), xứng tầm hơn, vừa được quy định trong Nghị định số 43/2025/NĐ-CP ngày 28.2.2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng mong Cục Thể dục thể thao Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như tinh thần của Nghị quyết 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình. Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, dự thảo Chương trình được chuẩn bị công phu, thể hiện được sự lao tâm, khổ tứ của các bộ phận soạn thảo.

Bộ trưởng cũng đã có nhiều góp ý cụ thể vào việc xây dựng dự thảo Chương trình trong đó Bộ trưởng nêu bật, dự thảo Chương trình cần phải được thiết kế các phần rõ ràng, đưa ra các tiêu chí, căn cứ đánh giá thế nào là các môn thể thao trọng điểm; luận giải cho được thế nào là các môn thể thao có thế mạnh của Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.

Chương trình cũng phải xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như giải pháp về nguồn lực, giải pháp về khoa học công nghệ, y tế và phải nêu rõ cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương ra sao...

Nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 3 phải tiến hành một hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người điều hành trong lĩnh vực thể thao.

Đến tháng 4 phải trình lãnh đạo Bộ để lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Đến tháng 5 phải cơ bản hoàn thiện Chương trình để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, các cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu xây dựng Chương trình một cách khoa học, đảm bảo tính khả thi khi được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc