Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 4.3, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc với Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh và các đơn vị liên quan về Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 – 2046. Cùng dự còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Chúc mừng Cục có tên gọi mới (tên cũ là Cục Thể dục thể thao), xứng tầm hơn, vừa được quy định trong Nghị định số 43/2025/NĐ-CP ngày 28.2.2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng mong Cục Thể dục thể thao Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như tinh thần của Nghị quyết 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD - ảnh 2
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt cho biết, Cục đã tiến hành xây dựng Chương trình sau khi được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ. Đã có 11 cuộc họp để triển khai xây dựng đề án. Chương trình gồm các phần như đánh giá thực trạng chung của thể thao Việt Nam, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng của các môn thể thao Cục đang quản lý rồi chọn ra 17 môn thể thao trọng điểm.

Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD - ảnh 3
Toàn cảnh buổi làm việc

Về thời gian, căn cứ vào các chu kỳ Olympic, Chương trình lấy mốc thời gian từ năm 2026-2046; bám sát vào các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đề ra các mục tiêu cụ thể.

Trong đó giai đoạn 2025 - 2030 sẽ là duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á.

Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD - ảnh 4
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt báo cáo tại buổi làm việc

Giai đoạn 2031 – 2046, sẽ thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ top 8 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup. Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp ngắn hạn và dài hạn để thực hiện.

Chương trình được tiến hành trên phạm vi toàn quốc, đối tượng của chương trình là các vận động viên trẻ, tài năng ở các đội tuyển trẻ quốc gia và những vận động viên trẻ có thành tích, các vận vận động viên trẻ có quốc tịch Việt Nam hoặc đủ điều kiện nhập tịch được đánh giá có tiềm năng phát triển trong tương lai hiện đang tập luyện tại các trung tâm huấn luyện thể thao, trường năng khiếu thể thao, cơ sở đào tạo thể thao, trung tâm đào tạo vận động viên thuộc 63 tỉnh/thành phố, Quân đội và Công an.

Thể thao Việt Nam tập trung phát triển các môn thể thao trọng điểm cho Olympic và ASIAD - ảnh 5
Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh - NGƯT. PGS.TS Nguyễn Văn Phúc góp ý cho dự thảo Chương trình

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình. Lắng nghe các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, dự thảo Chương trình được chuẩn bị công phu, thể hiện được sự lao tâm, khổ tứ của các bộ phận soạn thảo.

Bộ trưởng cũng đã có nhiều góp ý cụ thể vào việc xây dựng dự thảo Chương trình trong đó Bộ trưởng nêu bật, dự thảo Chương trình cần phải được thiết kế các phần rõ ràng, đưa ra các tiêu chí, căn cứ đánh giá thế nào là các môn thể thao trọng điểm; luận giải cho được thế nào là các môn thể thao có thế mạnh của Việt Nam trên đấu trường châu lục và thế giới.

Chương trình cũng phải đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như giải pháp về nguồn lực, giải pháp về khoa học công nghệ, y tế... và phải nêu rõ cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương ra sao...

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình là việc làm cho hôm nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau của Thể thao Việt Nam. Vì thế các cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu xây dựng Chương trình một cách khoa học, đảm bảo tính khả thi khi được Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.