Thể thao gắn với quảng bá di sản
VHO - Tổ chức lễ khai mạc trên sông Seine, thi đấu bóng chuyền dưới chân Tháp Eiffel hay cưỡi ngựa biểu diễn bên cung điện Versailles… là cách Paris giới thiệu di sản thông qua Thế vận hội 2024.
Mỗi sự kiện thể thao lớn là một cơ hội để quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch. Tại vòng chung kết Euro 2024 vừa qua, Liên đoàn bán lẻ Đức ước tính doanh thu tăng thêm 4 tỷ USD và 3 triệu lượt khách ghé thăm 10 thành phố đăng cai giải đấu. Dữ liệu từ Trip.com, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho thấy Euro 2024 tại Đức đã tạo ra làn sóng du lịch thể thao mạnh mẽ với du khách châu Á. Theo đó, Trung Quốc có tỷ lệ đặt phòng nhiều nhất, tăng 132% và tỷ lệ đặt chuyến bay đến Đức tăng 90% so với 2023. So với nước láng giềng, cách nước Pháp tổ chức Olympic 2024 tại Thủ đô Paris càng thấm đẫm lịch sử và văn hóa hơn.
Tổ chức khai mạc trên sông Seine
Paris, nơi đăng cai Thế vận hội 2024, trung tâm văn hóa và nghệ thuật lớn của thế giới, nơi đón tiếp 27 triệu lượt du khách mỗi năm, hứa hẹn đem đến nhiều điểm nhấn đặc sắc bằng cách kết hợp giữa du lịch thể thao gắn với di sản. Trong vòng hơn 1 tháng tới, kinh đô ánh sáng hứa hẹn đem đến cho người hâm mộ thể thao trải nghiệm đặc biệt, vì không chỉ theo dõi màn tranh tài đỉnh cao của các vận động viên mà còn đồng thời được chiêm ngưỡng những di sản, cảnh đẹp mang tính biểu tượng của thành phố hoa lệ này.
Đầu tiên là Lễ khai mạc Thế vận hội 2024 dự kiến diễn ra vào lúc 7h30 ngày 26.7 theo giờ địa phương (00h30 ngày 27.7 theo giờ Việt Nam). Thay vì tổ chức trong các sân vận động, lần đầu tiên Lễ khai mạc Olympic sẽ được tổ chức trên dòng sông Seine thơ mộng. Cụ thể, đoàn thuyền hơn 150 chiếc, bao gồm hơn 90 chiếc chuyên chở 10.500 VĐV sẽ diễu hành dọc sông, hành trình kéo dài khoảng 6 km, bắt đầu từ cầu Austerlitz nổi tiếng và kết thúc ở cầu Lena, dưới chân tháp Eiffel. Còn khán giả được bố trí ngồi hai bên bờ sông. Đoàn Hy Lạp, quốc gia khai sinh Olympic, là đoàn dẫn đầu theo đúng truyền thống. Tiếp đến là đoàn thể thao các quốc gia khác, được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. Đoàn chủ nhà Pháp đi sau cùng, kết thúc chuyến diễu hành trên sông lúc màn đêm buông xuống.
“Với ánh sáng tự nhiên từ hoàng hôn nước Pháp, sự kiện sẽ còn lộng lẫy hơn nữa nhờ sự nên thơ của không gian đa chiều, mời gọi cả VĐV lẫn công chúng trên toàn thế giới chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của kinh đô ánh sáng”, Trưởng ban Tổ chức Estanguet tiết lộ. Xuyên suốt hành trình, khán giả còn được chiêm ngưỡng chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp với hiệu ứng đặc biệt về hình ảnh và ánh sáng. Theo ông Thomas Jolly, Giám đốc nghệ thuật của buổi lễ khai mạc, chương trình dự kiến kéo dài gần 4 giờ đồng hồ, buổi khai mạc sẽ giống một vở ballet khổng lồ, được chia làm 12 tiết mục, với hàng nghìn vũ công thể hiện ở trên những cây cầu bắc qua sống Seine. Sự kiện này dự kiến thu hút khoảng 300.000 người đến theo dõi trực tiếp, hơn 1 tỉ người xem qua truyền hình. Để đảm bảo sự kiện diễn ra suôn sẻ, hệ thống an ninh chưa từng có sẽ được triển khai, với ít nhất 35.000 cảnh sát và hiến binh được huy động.
Di sản gắn liền nơi tổ chức thi đấu Thế vận hội
Bên cạnh lễ khai mạc được tổ chức trên dòng sông Seine thơ mộng, điểm hấp dẫn đặc biệt của Olympic Paris 2024 là người hâm mộ thể thao sẽ có cơ hội vừa cổ vũ các VĐV đỉnh cao tranh tài, vừa ngắm nhìn các cảnh đẹp, các di sản nổi tiếng của kinh đô ánh sáng. Đơn cử, những người yêu thích bộ môn bóng chuyền bãi biển sẽ được thưởng thức khung cảnh tuyệt đẹp của Thế vận hội tại sân vận động dã chiến có sức chứa 12.000 được dựng lên ngay dưới chân tháp Eiffel. Một thông tin đáng chú ý khác, một phần vật liệu làm nên địa danh nổi tiếng nhất của thành phố Paris được… nấu chảy và đúc thành các tấm huy chương Olympic. Giữa tháp Eiffel và học viện quân đội trang nghiêm Champ de Mars, từng là nơi diễu hành của các học viên hồi thế kỷ XVIII, ban tổ chức cho xây dựng một đấu trường theo kiểu La Mã cổ đại để thi đấu judo và các môn vật.
Từ tháp Eiffel ngược dòng sông Seine đến cầu Alexandre III, sẽ là bối cảnh thi đấu cho các môn bơi marathon, đua xe đạp đường trường cá nhân tính giờ và ba môn phối hợp. Cây cầu này được xây dựng cho Triển lãm Paris năm 1900, một hội chợ toàn cầu kỷ niệm những thành tựu của thế kỷ trước và thúc đẩy sự phát triển trong thế kỷ tiếp theo, với những bức tượng có cánh vàng tượng trưng cho ngành công nghiệp, thương mại, khoa học và nghệ thuật. Chỉ cách cầu Alexandre III quãng ngắn, Paris biến La Concorde trở thành nơi thi đấu cho các môn thể thao hiện đại. Đây là quảng trường lớn nhất thành phố, nối đại lộ Champs-Elysées với Jardins des Tuileries và bảo tàng Louvre.
Cũng được khánh thành tại triển lãm năm 1990, Grand Palais là viên ngọc biểu trưng cho sự lộng lẫy của Paris, với mái vòm kính lớn nhất châu Âu và được nâng đỡ bằng 6.000 tấn thép sơn xanh. Đấu kiếm và taekwondo sẽ được diễn ra dưới chân công trình diễm lệ này.
Hôtel des Invalides, khu phức hợp lịch sử ghi dấu di sản quân sự của Pháp, được thành lập dưới thời vua Louis XIV vào năm 1687, là điểm tham quan không thể bỏ lỡ của những người yêu thích lịch sử và quân sự. Các cung thủ sẽ có cơ hội so tài dưới mái vòm vàng nổi bật trên nền trời xanh, bên cạnh ngôi mộ danh tướng Napoleon và những khu vườn yên bình xung quanh bệnh viện quân sự, nay được chuyển đổi thành bảo tàng.
Nhắc đến Paris cũng không thể không nhắc đến cung điện Versailles xa hoa và lộng lẫy, với hồ nước và các bồn điêu khắc được trang trí bởi các đài phun mang tên các vị thần Neptune, Apollo và Latona trong những khu vườn được chăm sóc tỉ mỉ. Một đấu trường ngoài trời tạm thời sẽ tổ chức cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật biểu diễn và năm môn phối hợp hiện đại.
Bên cạnh các di sản lâu đời gắn với lịch sử và văn hóa, các sân vận động và trung tâm thể dục thể thao nổi tiếng tại Paris cũng tham gia đăng cai Thế vận hội. Tiêu biểu như sân quần vợt Roland Garros hay sân Stade de France, nơi chứng kiến đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998. Với sức chứa 80.000 chỗ ngồi, Stade de France đã tổ chức nhiều sự kiện thể thao, bao gồm Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2003, các trận đấu tại giải Euro 2016 và trận chung kết Champions League năm 2000, 2006 và 2022. Ít nổi tiếng hơn nhưng Yves-du-Manoir sẽ đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử thể thao nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Trong lịch sử, rất ít địa điểm từng hai lần tổ chức Thế vận hội. Yves-du-Manoir là một trong số đó. SVĐ này khánh thành vào năm 1907, được cải tạo để sử dụng tại Olympic 1924 cho các bộ môn điền kinh, đua xe đạp, cưỡi ngựa, thể dục dụng cụ, quần vợt, bóng đá, bóng bầu dục. Tròn 100 năm sau, Yves-du-Manoir sẽ là nơi diễn ra các trận đấu khúc côn cầu. Lịch sử, văn hóa, thể thao dường như tìm thấy giao điểm tại Paris.